Tịnh Biên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

01/09/2021 - 06:05

 - Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay dần diện tích cây trồng kém hiệu quả, đất vườn tạp chuyển sang các loại cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, đời sống người dân ngày càng cải thiện.

Hiệu quả và giá trị kinh tế cao

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tịnh Biên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ những vườn cây kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Một số hộ dân sau khi chuyển qua cây trồng mới đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó an tâm phát triển sản xuất, nguồn thu nhập của gia đình từng bước được nâng cao, cuộc sống ổn định hơn.

Gia đình ông Trần Hoàng Anh (ấp Vồ Đầu, xã An Hảo) có 20 công đất vườn. Phần đất này được ông Hoàng Anh trồng cam, quýt và xen một vài cây sầu riêng. Khoảng 3-4 năm trước, cây quýt và cam bị lão hóa nên cho năng suất thấp và thường xuyên bị các loại sâu bệnh tấn công. Do đó, ông Hoàng Anh quyết định chặt bỏ toàn bộ cây có múi, tập trung phát triển mô hình trồng cây sầu riêng.

“Trước đây, trong quá trình canh tác, gia đình tôi bón phân, thuốc bình thường nhưng cây sầu riêng không phát triển được do quýt và cam hút chất dinh dưỡng gần hết. Năng suất mỗi vụ sầu riêng không cao. Từ ngày chặt bớt quýt và cam, sầu riêng hấp thu chất dinh dưỡng đầy đủ, trái sai. Bình quân, mỗi cây từ vài chục đến 100 trái, trọng lượng mỗi trái từ 5-7kg”.

Nông dân huyện Tịnh Biên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2019, trên 50 gốc sầu riêng đã mang thu nhập khoảng 100 triệu đồng cho gia đình ông Hoàng Anh. Năm 2020, do thời tiết nắng nóng dẫn đến nhiều trái bị nứt, ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, nhờ bán được giá cao (100.000 đồng/kg) nên thu nhập không ảnh hưởng nhiều. “Hiện, gia đình tôi đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng, phát triển thêm nhiều giống sầu riêng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Hoàng Anh thông tin.

Cũng như ông Hoàng Anh, thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tịnh Biên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài sầu riêng, còn có các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: bơ, quýt, bưởi, xoài, thanh long... Thông qua việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con, đồng thời hạn chế được tình trạng đất bỏ hoang.

Tạo điều kiện chuyển đổi

Tịnh Biên là huyện có nhiều đồi núi, nông dân không chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Do vậy, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; từng bước đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Đặc biệt, thực hiện Đề án 02-ĐA/HU, ngày 25-2-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, ngành nông nghiệp huyện Tịnh Biên đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, địa phương tiến hành phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hiếu Thuận cho biết, năm 2021, UBND huyện giao dự toán từ nguồn vốn Nghị định 35/2015/NĐ-CP và nguồn vốn thủy lợi phí, với tổng kinh phí gần 38,4 tỷ đồng để đầu tư đường giao thông nông thôn, duy tu sửa chữa cống, gia cố đê bao, nạo vét các tuyến kênh, trạm bơm điện và hệ thống điện. Bên cạnh đó, địa phương còn tiến hành nâng cấp, cải tạo đường tây Trà Sư, Hương lộ 13, Hương lộ 6, đường Sóc Rè - Cây Khoa, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thông qua việc triển khai dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Trần Hiếu Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được trên 680ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang rau màu (2 vụ đông xuân và hè thu 2021) 672,26ha; diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái 2ha (lũy kế 89,76ha). Diện tích nhà nuôi chim yến 0,26ha; nuôi trồng thủy sản 6ha.

Những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tịnh Biên đáng khích lệ, khẳng định chủ trương đúng đắn của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng mô hình tổ hợp tác, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới...

ĐỨC TOÀN