Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Là địa phương biên giới có mùa lũ về hàng năm nên Tịnh Biên được bổ sung nhiều phù sa, cùng nguồn lợi thủy sản phong phú. Tuy nhiên, nguồn thủy sản nước ngọt của tỉnh An Giang nói chung, TX. Tịnh Biên nói riêng, đang suy giảm đáng kể do rất nhiều nguyên nhân. Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương và ngành chuyên môn là phải tích cực tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhằm tạo cân bằng sinh thái, duy trì sự đa dạng các giống loài thủy sản tự nhiên”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, UBND TX. Tịnh Biên đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra, xử lý việc khai thác thủy sản trái phép và quản lý nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã năm 2024. Trong đó, yêu cầu các ngành, địa phương tích cực phối hợp tuyên truyền cho người dân theo nghề câu lưới và cộng đồng chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, nhất là dùng xung điện kết hợp với ngư cụ đánh bắt thủy sản. Đặc biệt, không được sang địa phận Campuchia để đánh bắt thủy sản….
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại kênh Trà Sư
Với đặc thù địa phương là vùng giáp biên, phường Nhơn Hưng có khá nhiều người dân theo nghề đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi. Do đó, địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền để những hộ dân này không khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Cùng với đó, cũng khuyến cáo những tiểu thương mua bán cá ở chợ không kinh doanh các loài cá có nguồn gốc đánh bắt trái phép, nhằm từng bước cải thiện ý thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng Nguyễn Thành Bảo cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND TX. Tịnh Biên, chúng tôi đã có kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra và xử lý việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm trên địa bàn phường. Đồng thời, cũng đã cho hơn 40 hộ theo nghề câu lưới làm cam kết không khai thác thủy sản bằng các ngư cụ cấm, như: 12 cửa ngục, đặt dớn, sử dụng xung điện… trước mùa lũ năm nay.
Trong thời điểm nước tràn đồng, chúng tôi sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những trường hợp khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Người dân mưu sinh thì không ai ngăn cấm, nhưng họ phải bảo đảm những quy định của pháp luật trong quá trình khai thác thủy sản. Nếu không có ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thì dân sống bằng nghề câu lưới sẽ không còn nguồn cá đồng để mưu sinh trong tương lai gần”.
Ở góc độ người khai thác thủy sản, nhiều ngư dân cũng ủng hộ việc khai thác cá đồng song song với quá trình bảo vệ. Lý giải nguyên nhân con cá đồng ngày càng khan hiếm, ông Lê Văn Cần (ngụ phường Nhơn Hưng) thừa nhận tác hại của việc khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm tràn lan như hiện nay.
“Nước lũ lớn hay nhỏ chỉ ảnh hưởng một phần đến nguồn cá đồng, phần còn lại là do người dân bây giờ dùng đồ nghề có gắn điện để bắt cá. Nếu khai thác bằng câu lưới như truyền thống, con cá vẫn có thể lên đồng đẻ trứng, để nối dài nguồn lợi thủy sản cho mùa nước năm sau. Khi dùng đồ nghề có gắn điện thì cá lớn, cá nhỏ đều chết hết nên đâu có đẻ trứng được, dẫn tới nguồn thủy sản cạn kiệt là đương nhiên” - ông Lê Văn Cần phân tích.
Song song với việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, UBND TX. Tịnh Biên cũng quan tâm đến các biện pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, hoạt động thả cá giống về tự nhiên đã nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân trong, ngoài thị xã. Cụ thể, vào giữa tháng 8/2024, UBND TX. Tịnh Biên đã thả hơn 5.000 cá thể cá giống gồm các loài bản địa, có giá trị kinh tế như: Mè vinh, mè hôi, chép, chạch lấu… xuống kênh Trà Sư, từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong, ngoài thị xã.
“Hoạt động thả cá được chúng tôi duy trì tổ chức thường niên nhiều năm qua, với ý nghĩa tích cực, kêu gọi người dân hãy chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Ngay sau khi cá giống được thả về thiên nhiên, chúng tôi yêu cầu Phòng Kinh tế thị xã và UBND các xã, phường tiếp tục phối hợp quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không đánh bắt thủy sản vừa thả bất cứ hình thức nào.
Với người dân, chúng tôi kêu gọi mỗi cá nhân hãy cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tích cực vận động người thân, gia đình, bạn bè không đánh bắt, khai thác thủy sản trái phép, không mua bán, sử dụng cá con làm thực phẩm nhằm bảo tồn, giữ gìn nguồn lợi thủy sản thiên nhiên, để những con cá đồng sẽ còn tồn tại cho tương lai” - ông Nguyễn Thanh Hùng kêu gọi.
THANH TIẾN