Tiêm vắc xin cho trẻ em, phục vụ năm học mới
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, việc trường học hoạt động trở lại bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang triển khai theo hướng: Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
“Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định của độ tuổi tiêm các loại vắc xin để tính toán phân đủ, có kế hoạch tiêm phù hợp. Ví dụ loại vắc xin nào được nhiều nước sử dụng để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên thì trong thời gian tới, khi nhập khẩu vắc xin về, dành loại đó để tiêm cho trẻ em", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, lứa tuổi từ 12 trở lên có thể trở lại trường học một cách bình thường nếu được tiêm vắc xin.
Với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin, thuốc chữa bệnh, Thủ tướng cho biết chúng ta sẽ làm việc sớm với các hãng và thúc đẩy nghiên cứu trong nước để có thể trong thời gian tới có loại vắc xin phòng chống dịch cho các cháu.
Tăng cường thêm shipper giao hàng
Chiều 28-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu cho người dân thành phố trong thời gian tới trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.
TP.HCM tăng cường thêm shipper giao hàng
Các ý kiến thống nhất, thời gian tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu theo yêu cầu của TP.HCM.
Thành viên Tổ công tác, lãnh đạo TP thống nhất phải tiếp tục điều chỉnh việc “đi chợ hộ” cho người dân có điều kiện kinh tế, sau khi gặp một số bất cập, khó khăn những ngày qua. Tinh thần là bảo đảm không để người dân không ai bị đứt bữa và kêu gọi toàn thể người dân trong lúc này chịu kham khổ một thời gian để khống chế dịch bệnh.
Theo đó, lực lượng lao động trong các chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ được tăng cường nhưng phải đảm bảo thật an toàn. Cơ quan y tế của thành phố tiến hành xét nghiệm hàng ngày đối với số lao động này theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Vấn đề được thành viên Tổ công tác, lãnh đạo TP trao đổi rất kỹ là phải tăng cường đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) trên tinh thần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để lây lan dịch bệnh.
Tổ công tác yêu cầu Công an TP chỉ đạo công an các quận, huyện xuống đến các xã, phường kiểm soát chặt chẽ số lượng shipper đăng ký hoạt động và ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ. Sở Y tế chỉ đạo công tác xét nghiệm, giám sát chặt chẽ đội ngũ shipper trên tinh thần vừa làm vừa theo dõi, để có những điều chỉnh cần thiết.
Sở Y tế khẩn trương kết nối dữ liệu xét nghiệm với dữ liệu của Công an TP để đối chiếu phải kiểm soát người di chuyển trên đường và người dân thành phố nói chung.
Trong buổi họp báo cùng ngày, Sở Công Thương TP cũng cho biết, đã có đề xuất với UBND TP cho phép 25.000 shipper vào hoạt động.
Nói về lý do này, lãnh đạo Sở phân tích, đội ngũ shipper chuyên nghiệp sử dụng ứng dụng công nghệ có năng lực trong điều phối, tiếp nhận thông tin và giao, nhận hàng hóa... Người dân TP cũng đã quen với các app đặt và giao hàng của đội ngũ này.
Đội ngũ này thời gian qua đã được tiêm vắc xin và có các app để quản lý, theo dõi lộ trình nên việc giám sát sẽ đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Họ có nhiệm vụ và được hướng dẫn cách giao nhận hàng hóa để phòng chống dịch, đặc biệt là thông thạo đường sá.
Nếu tận dụng được đội ngũ shipper, sẽ giảm tải nhiều cho cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ này.
Đủ điều kiện chăm sóc F0
Cũng tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tính từ ngày 23-27/8, TP đã lấy được hơn 1.400.000 mẫu test nhanh và phát hiện hơn 54.400 ca dương tính.
Ông Hưng cho biết, từ ngày 15-8 đến ngày 15-9, ngành y tế phối hợp với quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện công tác xét nghiệm, mục đích phát hiện số ca F0 càng sớm càng tốt để bóc tách ra khỏi cộng đồng.
Lần xét nghiệm này của TP có khác lần trước, đó là TP chuyển mẫu về cho người dân tự lấy mẫu test nhanh hay test PCR dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cũng cho biết, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là hơn 74.000 người, trong đó có gần 48.000 ca cách ly tại nhà ngay từ đầu và 26.505 ca sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 16.962 người.
Ông Hưng thông tin, TP tập trung xét nghiệm để nhanh chóng tìm F0 nên số người dương tính với nCoV tăng cao, nhưng nằm trong dự báo và không quá nhiều.
Cho đến nay, TP vẫn đủ điều kiện chăm sóc tốt cho F0 mới phát hiện. TP đã thành lập các tổ phản ứng nhanh và hơn 400 trạm y tế lưu động ở các phường, xã; phân bổ thuốc kháng virus đến các trung tâm y tế để phát cho các F0 nhẹ.
TP cũng xác định, trong 3 tầng điều trị, tầng 1 là tầng quan trọng nhất. Nếu các F0 ở tầng này được chăm sóc tốt sẽ hạn chế ca chuyển nặng, từ đó giảm số ca nặng, số ca tử vong và giảm áp lực cho các tầng trên.
Nới lỏng cho ba nhóm đối tượng ra đường
Cũng trong hôm nay, Công an TP bắt đầu kiểm tra khai báo y tế theo mã QR khi tham gia giao thông và có một số thay đổi trong việc kiểm soát tại các chốt.
Thông tin tại cuộc họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP cho biết, báo chí đã bám sát và phát hiện kịp thời các sự việc để Công an TP điều chỉnh trong chỉ đạo.
TP.HCM nới lỏng thêm ba nhóm đi đường
Theo thượng tá Hà, qua thực tế việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan xuất hiện vướng mắc cho người dân, nên Công an TP đã có thêm ba quy định mới. Xem cụ thể tại đây.
Liên quan đến việc quét mã qua các chốt, thượng tá Hà lưu ý người dân, trước khi lưu thông trên đường thì nên khai báo trước và đến chốt trình sẽ được nhanh chóng.
Phát biểu khi được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM ít ngày trước, ông Phan Văn Mãi từng chia sẻ, người dân TP đang trải qua những ngày khó khăn nhất. Sự chịu đựng, bất tiện, thiếu thốn và đặc biệt là sự mất mát của nhiều người... là điều không mong muốn.
Ông cho biết, dịch bệnh kéo dài gây tổn thương rất lớn cho kinh tế - xã hội của TP cũng như cả nước. Các hoạt động bị đình đốn, nhiều người không có việc làm, thu nhập, không thể duy trì sản xuất dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ông bày tỏ quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ và cho biết cá nhân ông không thể làm tất cả. Ông mong muốn có sự đồng lòng, chung sức của hệ thống chính quyền để cùng vượt qua khó khăn.
Nói về ưu tiên trong phòng, chống dịch thời gian tới, ông Mãi cho biết sẽ huy động tất cả nguồn lực cả trong và ngoài nước để tập trung thực hiện các mục tiêu: Giảm tử vong, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị; chăm lo đời sống cho người dân bằng an sinh xã hội; thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, cải thiện tình hình; đẩy nhanh tiêm vắc xin để tăng miễn dịch cộng đồng.
Kể từ ngày 23-8 - 6-9, TP.HCM xác định đây là 2 tuần cao điểm để thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15-9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Đây là thời điểm thành phố dồn tổng lực với nhiều giải pháp quyết liệt.
Theo HỒ VĂN - BẢO ANH (Vietnamnet)