TP Hồ Chí Minh lý giải nguyên nhân số ca mắc sởi mới liên tục gia tăng

14/11/2024 - 13:35

Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai hơn 2 tháng với tỷ lệ tiêm chủng báo cáo đạt mức rất cao. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận một số ca bệnh sởi mới ở các đối tượng nằm trong độ tuổi thuộc chiến dịch.

Ngày 13/11,chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi tại thành phố đã góp phần kiểm soát số ca mắc bệnh trong nhóm tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát vẫn ghi nhận sự gia tăng số ca mắc mới. Từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1.635 ca sởi, bao gồm 1.241 ca điều trị nội trú và 394 ca ngoại trú, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh

Tiêm vaccine sởi cho học sinh tại trường tiểu học. 

Tính đến tuần 45 năm 2024, số ca mắc sởi mới đã tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước đó, đạt 167 ca/tuần. Hệ thống giám sát tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca bệnh mới ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, đồng thời cũng ghi nhận sự tăng lên của số ca bệnh ở độ tuổi lớn hơn. Vào tháng 8/2024, trung bình mỗi tuần có 8 - 9 ca bệnh ở nhóm tuổi từ 11 trở lên, chiếm 12% tổng số ca mỗi tuần. Đến nay, con số này đã tăng lên 40 ca/tuần, chiếm 30% tổng số ca mắc mới hàng tuần.

Số ca bệnh từ các tỉnh khác đến khám và điều trị tại ba bệnh viện Nhi Đồng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng tăng 44% so với trung bình 4 tuần trước đó, đạt 366 ca, trong đó có 229 ca điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, các ca sởi từ các tỉnh khác đến thành phố là 2.565 ca, bao gồm 1.931 ca nội trú, với 1 trường hợp tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh khảo sát 51 trường hợp trẻ từ 1-10 tuổi mắc bệnh sởi trong tuần 44. Kết quả cho thấy có tới 32 trẻ (tương đương 64%) chưa từng được tiêm vaccine sởi trước khi mắc bệnh. Nguyên nhân có thể do cha mẹ làm việc xa nhà, trẻ sống cùng ông bà hoặc do thường xuyên thay đổi nơi ở và có đến 27% trẻ không được tiêm do cha mẹ hoặc người thân từ chối, dù các em không có chống chỉ định tiêm chủng. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những trẻ này có thể không mắc bệnh nếu cha mẹ, người thân đưa trẻ đi tiêm chủng theo lời mời trong chiến dịch”.

Chú thích ảnh

Tại các bệnh viện ghi nhận số trẻ mắc sởi vẫn tiếp tục tăng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cũng kiểm tra công tác tổ chức tiêm vaccine tại các trường nơi trẻ mắc bệnh đang theo học và phát hiện một số trường học chưa triển khai tốt. Cụ thể, có 2 trường chưa tổ chức tiêm vaccine và 15 trường đã báo cáo hoàn thành chiến dịch tiêm, nhưng vẫn có trẻ mắc bệnh chưa được tiêm chủng. Điều này cho thấy một số trường học chưa thực hiện tốt việc rà soát tiền sử tiêm chủng và lập danh sách trẻ cần tiêm.

Khảo sát cũng ghi nhận rằng, 17% trẻ mắc bệnh từ 1-5 tuổi (6/35 trẻ) có địa chỉ khai báo trên Hệ thống thông tin tiêm chủng không trùng khớp với địa chỉ thực tế. Điều này dẫn đến trẻ không được quản lý và mời tiêm chủng từ trạm y tế phường xã, gây thách thức lớn trong công tác quản lý tiêm chủng tại thành phố.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến nghị, mỗi địa phương cần thực hiện nghiêm túc việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và tuân thủ Quy chế sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Đồng thời, Sở Y tế đã đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với phòng giáo dục rà soát tiến độ tiêm chủng tại các trường học, duy trì cập nhật thông tin trẻ biến động tại mỗi địa phương và phối hợp cùng các ban ngành để đảm bảo không bỏ sót trẻ cần tiêm chủng.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi, ngành y tế thành phố đang chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vaccine sởi cho nhóm trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi nhằm mở rộng diện bao phủ, giảm thiểu số ca mắc mới trong tương lai.

Theo TTXVN