Trả lời cử tri lĩnh vực nông nghiệp

24/05/2023 - 06:43

 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang vừa trả lời kiến nghị cử tri (gửi đến tại kỳ họp thứ 8 và thứ 11 HĐND tỉnh) những lĩnh vực do đơn vị phụ trách.

Cử tri huyện Tri Tôn kiến nghị nạo vét kênh Nam Vĩnh Tế 9, Nam Vĩnh Tế 10 và kênh T4 để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Theo Sở NN&PTNT, kênh Nam Vĩnh Tế 9 có chiều dài 7,6km; kênh Nam Vĩnh Tế 10 có chiều dài 8,6km, được phân cấp cho huyện Tri Tôn quản lý. Theo báo cáo của huyện Tri Tôn, hiện nay kênh vẫn đảm bảo nhu cầu bơm tưới, tiêu cho 2 tiểu vùng gần 800ha trong mùa khô.

Kênh T4 có chiều dài 7,6km, do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi quản lý. Theo báo cáo của công ty, hiện nay vẫn đảm bảo nhu cầu bơm tưới, tiêu cho diện tích 1.800ha trong mùa khô. Ngoài ra, Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp địa phương và đơn vị quản lý, theo dõi tình hình cung cấp nước tưới trong mùa khô đối với tất cả công trình cống, kênh để có hướng hỗ trợ kịp thời.

Cử tri huyện Chợ Mới kiến nghị ngành chuyên môn hướng dẫn, xây dựng kế hoạch để hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong việc phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu cho HTX. Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ HTX trên địa bàn huyện Chợ Mới nói riêng, tỉnh An Giang nói chung.

Theo đó, tạo điều kiện cho 5 HTX trên địa bàn huyện cử nhân sự tham dự tập huấn sơ cấp dành cho Giám đốc HTX, kinh phí từ nguồn Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022.

Đồng thời, mở lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên đề từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới cho HTX, nhằm nâng cao công tác quản trị, lập phương án sản xuất - kinh doanh hàng năm hiệu quả; hỗ trợ và tạo điều kiện cho HTX tham dự tập huấn chuyển đổi nhận thức của cán bộ quản lý, điều hành HTX từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập huấn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; công tác kế toán do cơ quan, doanh nghiệp (DN) uy tín tổ chức.

Cử tri huyện An Phú kiến nghị cần có cơ chế hướng dẫn và bảo vệ quyền lợi nông dân, trong trường hợp ký kết, thực hiện hợp đồng liên kết với DN. Theo Sở NN&PTNT, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân sản xuất theo hướng liên kết với DN đảm bảo đầu ra, hợp đồng liên kết bằng văn bản để tránh trường hợp “bẻ kèo” giữa các bên. Đặc biệt, khuyến khích nông dân ký kết hợp đồng thông qua hợp HTX, tổ hợp tác; có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Về lâu dài, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2881/QĐ-UBND, ngày 3/2/2021 thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển HTX nông nghiệp trở thành chủ thể trung tâm của tổ chức sản xuất tại địa phương, phát triển dịch vụ trong nông nghiệp, thu hút nông dân tham gia góp vốn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực với DN…

Với sự phát triển nhanh của khoa học - công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt giải pháp, đổi mới tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” để vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng thời, chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu; tổ chức lại sản xuất theo kinh tế hợp tác, có sự tham gia chặt chẽ giữa người dân - HTX - DN; “tăng giá trị, giảm đầu vào”; giảm sử dụng phân bón hóa học, chuyển dần sang phân hữu cơ vi sinh; quản lý theo mã vùng, mã code trong sản xuất, tiêu thụ…

Phát huy thế mạnh của địa phương về phát triển nông nghiệp, khắc phục khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu tham mưu chất lượng trong từng nghị quyết, đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn, tạo sự thống nhất, chính sách được thực thi hiệu quả trong đời sống. Từ đó, góp phần điều hành phát triển nông nghiệp, nông thôn chuyển biến tích cực, đem lại sự hài lòng và niềm tin trong nhân dân.

K.N