Ông Thái trình bày: “Bản thân tôi là bộ đội quân báo (Phòng Quân báo, Quân khu 9), cũng từng tham gia chống Mỹ cứu nước. Sau giải phóng, tôi trở về quê hương sống bên gia đình. Lợi dụng tôi bị mù lòa, tháng 4/2016, gia đình ông Nguyễn Văn Th. - bà Nguyễn Thị Kim Ph., cặp vách nhà tôi, đã có hành vi phá hoại hết vườn chuối trên 30 cây và một số bông hoa trồng trên mộ người thân gia đình tôi.
Họ còn đập phá 4 trụ đá, cuốn lưới B40, nhổ mốc ranh, xây dựng trái phép bằng bê-tông cốt thép trên phần đất 12m2 của gia đình. Địa phương giải quyết không thấu tình, đạt lý, TAND tỉnh xét xử không công tâm, bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng, để rồi họ ngoan cố xây dựng cơi nới ra lấn chiếm thêm, mặc cho gia đình tôi phản kháng quyết liệt.
Sau đó, TAND cấp cao TP. Hồ Chí Minh một lần nữa xét xử không đúng sự thật, gây oan ức cho gia đình tôi. Vì vậy, gia đình tôi tha thiết yêu cầu TAND tối cao, VKSND tối cao xem xét, nhanh chóng xử lý vụ việc cho gia đình tôi đã kéo dài 8 năm qua, đem lại sự công bằng, trả lại đất cho gia đình tôi; xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật”.
Qua xác minh, vụ “Tranh chấp đòi lại tài sản QSDĐ - Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) - Bồi thường thiệt hại tài sản do bị xâm phạm” giữa vợ chồng ông Nguyễn Hồng Thái - bà Nguyễn Thị Xưởng với vợ chồng ông Nguyễn Văn Th. - bà Nguyễn Thị Kim Ph. (cùng ngụ khóm Bình Đức 5, phường Bình Đức) đã được TAND tỉnh giải quyết bằng Bản án dân sự sơ thẩm 04/2019/DS-ST, ngày 28/2/2019, sau đó gia đình ông Th. có đơn kháng cáo.
Ngày 26/5/2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử bằng Bản án dân sự phúc thẩm 128/2020/DS-PT, chấp nhận một phần kháng cáo của ông Th. - bà Ph.; đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Thái - bà Xưởng về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, yêu cầu xác lập QSDĐ đối với phần đất gắn liền 3 ngôi mộ thân tộc; công nhận cho ông Th. - bà Ph. được quyền sử dụng 5,3m2 phần đất tranh chấp, giới hạn bởi các Điểm 68, 67, M36, 66, 65, M34, 69, 70, 71 (theo bản đồ hiện trạng khu đất do Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh lập ngày 19/10/2018) và được xác lập quyền sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai; buộc ông Th. - bà Ph. phải trả lại giá trị QSDĐ nói trên là 6.360.000 đồng (5,3m2 x 1,2 triệu đồng/m2) cho ông Thái - bà Xưởng.
Theo nhận định của Tòa án, nhà của 2 bên đương sự ở cạnh nhau. Năm 2000, ông Thái - bà Xưởng được cấp GCNQSDĐ và đến năm 2006 thì được cấp đổi lại GCNQSDĐ mang số AD 091464 (số vào sổ cấp GCNQSDĐ H01999aA), ngày 27/6/2006 do UBND TP. Long Xuyên cấp; đất thuộc thửa số 9, tờ bản đồ 74, diện tích 427,8m2, loại đất ở đô thị. Ông Th. được cha mẹ cho đất xây nhà ở trước năm 1975. Đến năm 2009, ông Th. - bà Ph. được UBND TP. Long Xuyên cấp GCNQSDĐ số AM 406205 (số vào sổ cấp GCNQSDĐ H03648aA), ngày 12/1/2009; thửa số 8, tờ bản đồ 74, diện tích 161,9m2, loại đất ở đô thị.
Căn cứ GCNQSDĐ các đương sự được cấp; bản đồ hiện trạng khu đất do Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh lập ngày 19/10/2018 (thay thế bản đồ lập ngày 19/9/2018); biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 2/10/2019 và ngày 18/10/2019 của TAND tỉnh; văn bản 2043, ngày 5/12/2019 của Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh trả lời TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; biên bản định giá tài sản lập ngày 31/7/2018 của TAND tỉnh, thì có căn cứ xác định: Tổng diện tích đất tranh chấp giữa hai bên là 5,3m2, hiện nay do ông Th., bà M. sử dụng.
Trong phần đất tranh chấp có 3,9m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Thái - bà Xưởng theo GCNQSDĐ đã cấp cho đương sự (phần bị lấn chiếm) và 1,4m2 đất bị cấp chồng ranh giữa 2 bên; và trong 5,3m2 có 1,1m2 đất là bức tường căn nhà của ông Th. - bà Ph. xây dựng trên đất.
Xét thấy diện tích đất tranh chấp và phần diện tích đất thực tế bị lấn chiếm không lớn, TAND phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm phần giải quyết tranh chấp diện tích 5,3m2, không thể buộc ông Th. phá dỡ nhà trả phần đất lấn chiếm. Tòa án công nhận QSDDĐ thực tế của phía ông Th. và buộc phải trả lại cho phía ông Thái giá trị quyền sử dụng diện tích đất tương ứng theo biên bản định giá ngày 31/7/2018 của TAND tỉnh là 6.360.000 đồng.
Luật sư Trần Ngọc Phước, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, theo Điều 17, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, khi được phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Về thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm được quy định tại Điều 18 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, TAND tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án; TAND cấp cao giám đốc việc xét xử của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND cấp huyện.
Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật, cần gửi đơn đến Chánh án TAND tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định của bộ luật này, thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
K.N