Trái cây sạch xuống núi

09/09/2022 - 07:10

 - Không hóa chất, hương vị thơm ngon, lạ miệng, các loại trái cây rừng ở vùng Bảy Núi dần trở thành đặc sản. Không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ tại chỗ, cư dân xứ núi còn nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, tiếp cận kênh mua bán mới, tận dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, kết nối thêm người tiêu dùng rộng khắp.

Cùng với phong cảnh núi non hùng vĩ, những loại trái cây đặc sản này cũng là đặc trưng của xứ núi, điểm nhấn ấn tượng trong lòng du khách thập phương. Bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng là mùa của một vài loại trái cây mang hương vị núi rừng.

Có loại mọc dại, có loại do cư dân xứ núi vun trồng. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên các loại trái cây đều mang hương vị thơm ngon, lạ miệng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hình ảnh đôi quang gánh chứa đầy đặc sản núi, trong đó có các loại trái cây không còn lạ mắt với người dân TP. Long Xuyên hay TP. Châu Đốc. Mùa nào thức đó, chỉ cần thấy trên quang gánh xuất hiện loại gì sẽ biết ngay trái đó đang vào mùa ở Bảy Núi.

Nhiều loại trái cây được kết nối bán ngoài tỉnh

Những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, báo hiệu mùa trái cây sắp đến. Từ trâm rừng, bơ, sầu riêng, mãng cầu, cho đến thị, hồng quân lần lượt chín rộ. Từ loài cây mọc dại, hồng quân hiện được người dân trồng dọc theo triền đồi ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên theo mô hình xen canh trong vườn rừng. Năm nào xuất hiện mưa sớm, nhiều, hồng quân được cung cấp đủ nước sẽ cho trái lớn hơn.

Năm nay, vườn hồng quân của chị Kim Huê (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) cho trái sớm (giữa tháng 6 âm lịch). Chị Kim Huê cho biết, vì sinh trưởng tự nhiên, hạn chế nước tưới nên hầu như hồng quân ra hoa, đậu trái đều theo điều kiện thời tiết. Đặc biệt, vì được trồng dưới tán rừng, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xứ núi nên người dân không cần sử dụng phân bón, thuốc hóa học, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn trái cây sạch.

Hồng quân sống có màu xanh, sau đó chuyển dần sang đỏ, khi chín đều có màu tím. Thấy vườn hồng quân vừa điểm xuyết trái chín đầu tiên, chị Kim Huê giới thiệu trên trang Facebook cá nhân, giá chỉ 20.000 đồng/kg. Bài viết của chị Kim Huê nhanh chóng nhận tương tác nhiều từ khách hàng. “Vừa rồi, nhà tôi có bơ, sầu riêng, vừa xong mùa là đến hồng quân. Năm nay, hồng quân có giá hơn mọi năm, nên bà con ở đây ai cũng mừng” - chị Kim Huê tâm sự.

Vì là hàng trái cây tươi, bán cho khách hàng dù ở gần hay xa, chị Kim Huê đều đóng hàng rất kỹ trước khi gửi. Khi thu hoạch, chị Kim Huê sẽ thông báo trên Facebook cá nhân để khách tiện đặt hàng. Với cách làm này, trái cây luôn được hái mới đủ số lượng, đảm bảo tươi khi đến tay khách hàng, trọn vẹn hương vị.

Vườn bơ, sầu riêng rộng gần 2ha của anh Nguyễn Thanh Hùng nằm trên núi Dài (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) cũng vừa thu hoạch xong. Mấy năm nay, ngoài bán cho thương lái ở địa phương, anh Hùng kết nối với đầu mối tiêu thụ ở TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Theo anh Hùng, thời gian đầu, số lượng bán ít. Nhưng nhờ trái cây ngon, chất lượng, người tiêu dùng ủng hộ nên đầu mối đặt hàng nhiều hơn. Trước khi bán, anh Hùng chủ động giới thiệu trái cây được trồng trên núi, canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, an toàn, hương vị thơm ngon. Bởi vậy, giá bán có thể cao hơn một số nơi khác.

“Trái cây khi được trồng theo hướng hữu cơ, chủ yếu là bón lót thêm phân bò, dễ dàng cảm nhận ngay vị khác biệt: Thịt chắc, ngon, ngọt thanh và bảo quản lâu hơn. Đó là chưa kể những loại cây ăn trái này được trồng trên đất núi, được hấp thụ khí trời, thổ nhưỡng đặc biệt nên có vị rất đặc trưng” - anh Hùng giải thích.

Gần 20 năm nay, cứ mỗi khi đến mùa trái cây ở Bảy Núi là bà Huỳnh Thị Dồi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) đến tận vườn thu mua về bán lại. Dù là nghề “tay trái”, nhưng giúp gia đình bà Dồi có thêm thu nhập ổn định. Buôn bán đã quen, hễ Bảy Núi vào mùa trái cây gì, bà đều nhớ. Mới đây, vào mùa thị, bà len lỏi vào các phum, sóc, lên núi để tìm nguồn thu mua, rồi cung ứng cho đầu mối ở TP. Long Xuyên, TP. Hồ Chí Minh. Đến mùa trâm cũng vậy, bà Dồi nhờ cháu đăng giới thiệu lên mạng xã hội Zalo, Facebook để người mua biết và đặt hàng.

“Bây giờ, khách hàng chuộng trái cây rừng, phần vì ngon, an toàn, phần vì nhiều người trẻ muốn thưởng thức, trải nghiệm nên tôi bán được. Tôi có lời thì cũng mua cho bà con giá cao hơn, không ép giá” - bà Dồi chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN