Lợi thế nông nghiệp của huyện Tri Tôn được phát huy
Thu hút đầu tư
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm 2021, tổng diện tích xuống giống của huyện đạt 120.882ha, đạt 109% so kế hoạch. Phát huy lợi thế giá lúa duy trì ở mức cao, diện tích trồng lúa 118.091ha (chiếm 97,6% diện tích xuống giống), đạt 111,6% so kế hoạch và tăng 83,9ha so năm 2020. Nông dân canh tác lúa “trúng mùa, được giá”. Trong tháng 8-2021 (thời điểm giãn cách xã hội), hơn 200 chiến sĩ trẻ của Sư đoàn Bộ binh 330 (Quân khu 9) đã giúp nông dân thị trấn Cô Tô thu hoạch 120ha lúa hè thu.
Nhờ có diện tích đất nông nghiệp lớn, điều kiện sản xuất thuận lợi, huyện Tri Tôn thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư vào nông nghiệp. Giai đoạn 2015-2020, huyện có 19 dự án nhận được quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của UBND tỉnh, tổng diện tích đất sử dụng hơn 13.833ha, tổng vốn đầu tư hơn 8.424 tỷ đồng. Đến nay, có 14 dự án được triển khai thực hiện, tập trung vào sản xuất chuối cấy mô công nghệ cao để xuất khẩu, trại nuôi heo giống, heo thịt công nghệ cao, nhà máy sản xuất lúa giống, sản xuất lúa hữu cơ, kho chứa nông sản, nhà máy chế biến lương thực…
Nổi bật trong số những dự án đầu tư là dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc thực hiện tại xã Lương An Trà; dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang, thực hiện tại xã Vĩnh Gia. “Với nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc, dự kiến DN sẽ tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) tại nhà máy, liên kết với khoảng 10 HTX khác để thu mua lúa chế biến. Với năng lực chế biến gạo hiện đại theo thiết kế, nhà máy có thể thu mua khoảng 42% sản lượng lúa của huyện Tri Tôn. Đối với dự án bò sữa công nghệ cao, DN sẽ tham gia thành lập HTX để xây dựng vùng liên kết rộng 500ha, thúc đẩy phát triển đàn bò trên địa bàn huyện” - ông Văn thông tin.
Ngoài ra, còn có 4 dự án đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Tri Tôn, gồm: Dự án nuôi tôm thẻ chân trắng (xã Tân Tuyến); dự án nhà máy sấy, kho tồn trữ, xay xát gạo xuất khẩu (xã Vĩnh Phước); dự án nuôi cá sặc rằn (xã Vĩnh Phước) và dự án nuôi vịt thịt an toàn sinh học (xã Lương Phi).
Đẩy mạnh liên kết hợp tác
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, trên địa bàn huyện đang được Trung ương và tỉnh đầu tư nhiều chương trình, dự án, tạo động lực thúc đẩy cho ngành nông nghiệp. Trong đó, dự án VnSAT “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại An Giang” được thực hiện tại 4 xã Tân Tuyến, Lương An Trà, Vĩnh Phước và Tà Đảnh, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng trên 65,7 tỷ đồng.
Theo Quyết định 3375/QĐ-BNN-KH, ngày 26-7-2021 của Bộ NN&PTNT về dự án Cụm công trình thủy lợi vùng cao Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, 2 địa phương được thực hiện chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 516 tỷ đồng, Một dự án khác cũng thực hiện theo Quyết định của Bộ NN&PTNT là dự án “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu” với tổng vốn 90 tỷ đồng, triển khai ở huyện Tri Tôn (xã Cô Tô, Tân Tuyến, Tà Đảnh) và huyện Thoại Sơn. Cả 2 dự án này dự kiến triển khai thi công vào năm 2022.
Cùng với các hồ chứa nước vùng cao hiện tại (hồ Ô Tà Sóc, Soài So, Soài Chek, Ô Thum), huyện Tri Tôn được đầu tư xây dựng thêm 2 hồ chứa. Trong đó, hồ Núi Dài 2 đang thi công từ tháng 8-2021, tổng kinh phí xây dựng 32,6 tỷ đồng; hồ Cô Tô đã hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công với tổng kinh phí xây dựng 25,1 tỷ đồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Tri Tôn đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Ông Nguyễn Văn Văn cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 24 HTX, trong đó, năm 2021 thành lập mới 3 HTX, gồm: HTX chăn nuôi bò An Tức - Tri Tôn, HTX nông nghiệp hữu cơ TVP Núi Tô và HTX nông nghiệp An Tức. Hiện có 19 HTX đang liên kết với DN, gồm: 10 HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (diện tích liên kết 1.727ha); 1 HTX liên kết với Công ty Trịnh Văn Phú (sản xuất lúa ST24, ST25 với diện tích 200ha); 2 HTX sản xuất xoài (Bến Bà Chi, Ô Lâm) đang liên kết tiêu thụ với DN Kim Nhung; HTX Tân Tiến liên kết với HTX Ngãi Tứ - Vĩnh Long tiêu thụ sản phẩm đan đát lục bình, nước mắm cá đồng…
Huyện Tri Tôn tiếp tục mời gọi DN đầu tư vào các dự án nông nghiệp, như: Dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt (dự kiến thực hiện tại xã Lương An Trà), quy mô khoảng 60ha, nguồn vốn đầu tư 2.503 tỷ đồng; dự án trồng lúa và cây ăn trái hữu cơ (xã Núi Tô), quy mô 430ha, nguồn vốn 1.200 tỷ đồng; dự án năng lượng mặt trời và chăn nuôi (xã Lương An Trà), quy mô 519ha, nguồn vốn dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng. |
NGÔ CHUẨN