Triển vọng giống lúa Hưng Long 555

26/07/2024 - 03:19

 - Dù mới gieo trồng ở An Giang nhưng giống lúa Hưng Long 555 phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sinh trưởng của một số địa phương trong tỉnh. Giống lúa này được nông dân đánh giá triển vọng phát triển tốt, bởi năng suất cao, chất lượng gạo dẻo, mềm cơm, thơm nhẹ, tương đương với các giống lúa thơm đang được canh tác phổ biến hiện nay.

Khả năng thích ứng cao

Vừa qua, tại đại lý kinh doanh lúa giống, gạo chất lượng cao Ba Giàu (ấp Cầu Dây, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú), hơn 80 nông dân xã Thạnh Mỹ Tây, các nhà phân phối giống lúa tại tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đắk Lắk và một số thương lái bao tiêu nông sản đã tham gia hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm giống lúa Hưng Long 555 của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế. Đồng thời, trực tiếp tham quan, trao đổi, thảo luận tại ruộng lúa trình diễn của ông Nguyễn Ngọc Giàu (sinh năm 1965, chủ đại lý Ba Giàu), nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng lúa ở địa phương.

Tác giả Lê Ngọc Ánh trên ruộng lúa canh tác giống Hưng Long 555 ở xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú)

Trên diện tích 2.600m2, nông dân Nguyễn Ngọc Giàu canh tác giống lúa Hưng Long 555 trong vụ hè thu 2024. Ông thực hiện kéo hàng với lượng giống 12kg/1.000m2, lúa đang giai đoạn chín, dự kiến cuối tháng 7/2024 sẽ thu hoạch.

Đây là vụ đầu tiên giống lúa mới Hưng Long 555 được gieo trồng ở vùng trong xã Thạnh Mỹ Tây, nhưng được nông dân đánh giá cao, bởi khả năng thích ứng tốt, bông lúa vào chắc hạt, sáng đẹp hơn một số ruộng xung quanh. Nếu được kết nối tiêu thụ ổn định, nông dân trong vùng có thể cân nhắc giống lúa này để thay thế cho một số giống lúa không còn phù hợp ở địa phương.

Với nông dân Huỳnh Công Nhiếp (ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành), đây là vụ thứ hai anh canh tác giống lúa Hưng Long 555 trên diện tích 8ha. Cả vụ đông xuân vừa qua và vụ hè thu này, anh Nhiếp đều áp dụng kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa với lượng giống chỉ 100kg/ha.

“Vụ đông xuân 2023 - 2024, do ảnh hưởng dịch bệnh tăng mạnh nên năng suất lúa chỉ đạt 6,5 tấn/ha, đây là tình hình chung của những ruộng khác. Dù đây là giống mới, chưa phổ biến rộng nhưng được nông dân trong vùng ưa thích, bởi cho gạo dẻo, mềm cơm, thơm nhẹ, chất lượng từ bằng với đến hơn giống OM18” - anh Nhiếp nhận xét.

Đối với vụ hè thu 2024, cũng như nhiều ruộng lúa khác, 8ha lúa Hưng Long 555 của anh Nhiếp trổ bông và cong trái me ngay đợt mưa bão, nhưng lúa không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn vô gạo đẹp.

“Hôm gặp người chị canh tác giống lúa Hưng Long 555 ở tỉnh Bình Thuận, năng suất đạt rất cao. Qua thử nghiệm 2 vụ, tôi thấy giống lúa này phù hợp gieo trồng ở An Giang cũng như vùng ĐBSCL, đáp ứng các tiêu chí về khả năng sinh trưởng, năng suất và phẩm chất gạo, có thể cạnh tranh với các giống OM5451, OM18...” - anh Nhiếp đánh giá.

Triển vọng nhân rộng

Ngày 15/7/2024, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thị Thu Hương đã ký Quyết định 331/QĐ-TT-CLT, công nhận lưu hành giống lúa thuần Hưng Long 555 của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế. Phạm vi lưu hành là vụ đông xuân, hè thu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL.

Qua khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất tại một số tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, Cục Trồng trọt đánh giá giống lúa Hưng Long 555 có các đặc tính:  Sức sống của mạ khỏe, độ thuần đồng ruộng cao, độ thoát cổ bông đạt mức thoát hoàn toàn, lúa cứng cây, thời gian sinh trưởng từ 103 - 108 ngày, chiều cao cây từ 105 - 115cm, khó rụng hạt, đạt 100 - 110 hạt chắc/bông, tỷ lệ lép từ 15,7 - 17%... Kết quả khảo nhiệm cho thấy, năng suất vụ đông xuân từ 5,59 - 9,17 tấn/ha, vụ hè thu từ 5,13 - 7,81 tấn/ha; cơm mềm, ngon, có mùi thơm.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, hạt giống trước khi đưa vào bảo quản phải sạch tạp chất, phơi sấy khô đạt tới thủy phần an toàn (độ ẩm) dưới 12 - 13%. Hạt giống được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát; không để chung với lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc và vật tư nông nghiệp khác; đề phòng chuột cắn thủng, rách bao bì làm hỏng hạt giống...

Giống lúa Hưng Long 555 được Cục Trồng trọt kết luận thích hợp gieo trồng vụ đông xuân và hè thu ở các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Khi canh tác cần tham khảo đặc tính giống trên tài liệu để chăm sóc và quản lý dịch hại hiệu quả; phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại chính theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn địa phương; bón phân cân đối, bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất và quy trình kỹ thuật canh tác của giống.

Trước đó, Cục Trồng trọt đã cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng số 17.VN.2022, ngày 15/5/2022 cho giống lúa Hưng Long 555, với thời hạn bảo hộ 20 năm cho tác giả Lê Ngọc Ánh và chủ sở hữu giống là Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế.

Tác giả Lê Ngọc Ánh cho biết, với mong muốn mở rộng diện tích của giống lúa có nhiều đặc tính nổi trội, như: Chống chịu tốt, năng suất cao, gạo trong, cơm ngọt, dẻo giòn...

Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế sẽ tiếp tục hợp tác, cung cấp giống lúa Hưng Long 555 cho nông dân, hợp tác xã ở các tỉnh có thế mạnh về trồng lúa ở ĐBSCL, đồng thời mong muốn có thêm doanh nghiệp đồng hành liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lâu dài, ổn định.

NGÔ CHUẨN