Ao nuôi kết hợp ếch và cá
Mạnh dạn chuyển đổi
Nông dân Nguyễn Văn Thành (ấp Bình Đông 1, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một trong những nông dân chịu khó nghiên cứu, học tập các mô hình canh tác hiện đại. Trên “xứ nếp” Phú Tân, người nông dân này mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để cải tạo đất trồng nếp kém hiệu quả sang mô hình mới.
Qua hơn 2 năm, mô hình đa canh của anh Thành cơ bản hình thành rõ nét. Khởi đầu, anh kết hợp nuôi ếch và cá, nhân rộng dần số lượng và lấy nguồn thu đầu tư cho các loại cây trồng khác. “Tổng cộng 14 mùng nuôi, tôi đều thiết kế như nhau: tầng trên nuôi ếch, tầng dưới nuôi cá rô, như thế cá sẽ xử lý triệt để nguồn thức ăn dư thừa và chất thải của ếch, giảm ô nhiễm môi trường nước.
Trên mặt ao, tôi sử dụng các mảnh xốp có khoét ô vuông để tạo chỗ cho ếch ngồi mà vẫn đảm bảo cho cá ngớp. Hơn 50.000 con ếch và 400kg cá rô được chia thời gian nuôi theo lứa khác nhau để nối tiếp đầu ra. Thực hiện cách thức “lấy ngắn nuôi dài” thay cho sản xuất độc canh cây nếp trước đây, mục tiêu hướng tới là mô hình nuôi trồng đa dạng, lập vườn sinh thái phục vụ mọi người đến tham quan kết hợp thưởng thức các dịch vụ đồng quê” - anh Thành chia sẻ.
Sau 2,5 tháng nuôi, lứa ếch thương phẩm đầu tiên được anh Thành xuất bán khoảng 500kg, thu về 20 triệu đồng. Còn các lứa cá rô được bán xoay chuyền liên tục, định kỳ 2 tháng mang về nguồn thu 12 triệu đồng. Anh Thành cho biết, mô hình nuôi ếch kết hợp cá được nông dân nhiều nơi thực hiện và cho hiệu quả kinh tế cao. Trước khi áp dụng, anh đã học hỏi trên mạng, tham quan nhiều điểm nuôi trong tỉnh để nắm bắt kỹ thuật. Trước khi thả vật nuôi, ao được xử lý bằng cách rải vôi, muối, bơm nguồn nước sạch và che lưới bên trên. Nguồn nước được thay mới sau 1 tuần hoặc dựa theo quan sát môi trường để đảm bảo ếch và cá khỏe mạnh, phòng tránh bị nhiễm bệnh.
Không gian nuôi lý tưởng này còn được anh Thành chia sẻ cho nhiều hộ xung quanh đặt mùng “nuôi ké”. Mô hình nuôi ếch kết hợp cá đem lại thu nhập cho nhiều hộ trong vùng. Hội Nông dân xã Bình Thạnh Đông đã thành lập tổ hợp tác và định hướng cho hội viên liên kết trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra ổn định.
Vườn đa canh của anh Nguyễn Văn Thành
Nhiều triển vọng
Trên tổng diện tích 2.500m2, ngoài ao nuôi, anh Nguyễn Văn Thành còn trồng đa dạng các loại cây ăn trái, như: đu đủ, chuối sáp, ổi, táo, nhãn, các cây màu ngắn ngày kết hợp trồng thêm hoa kiểng. Đu đủ chín và dưa gang còn được tận dụng làm thức ăn cho cá, ếch, nên chi phí mua thức ăn công nghiệp hàng tháng tốn khoảng 30%. Anh Thành cho hay, toàn bộ diện tích này trước đây là đất trồng lúa, nếp. Qua nhiều năm, năng suất và lợi nhuận bấp bênh nên anh quyết định cải tạo lại, chuyển hướng nuôi trồng để có thu nhập cao hơn. Các loại cây trồng chưa phát triển và cho thu hoạch đồng loạt nhưng đã được đặt hàng, một số có hợp đồng tiêu thụ.
“Bước đầu xem như đã đi đúng hướng, bởi nuôi trồng đa dạng hạn chế được biến động giá cả thị trường. Hơn nữa, tôi không muốn quá lệ thuộc đầu ra nên mới có ý tưởng lâu dài lập vườn sinh thái, vừa tăng thu nhập, vừa có chỗ vui chơi lành mạnh cho bà con ở quê” - anh Thành nhận định.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh Đông Mai Duy Linh, mô hình nuôi ếch kết hợp cá rô của anh Nguyễn Văn Thành giúp nhiều hộ nông dân học hỏi và phát triển nhân rộng. Với mô hình sản xuất đa canh có định hướng phù hợp và dài lâu, địa phương luôn khuyến khích hội viên nông dân đầu tư khi có điều kiện. Qua đó, có thể khai thác hết quỹ đất, cho nguồn thu liên tục để tiếp tục đầu tư và vận hành ở mức chi phí tối thiểu. Đặc biệt, các mô hình được chuyển đổi trên đất trồng lúa, nếp kém hiệu quả, đất vườn tạp rất phù hợp với chủ trương của huyện và xã đang vận động người dân tham gia theo Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân.
MỸ HẠNH
Từ trung tâm xã Bình Thạnh Đông, băng qua đường đồng quanh co và khá xa mới đến được mảnh vườn của anh Nguyễn Văn Thành. Tuy nhiên, hành trình lại đem đến cảm giác trải nghiệm thú vị khi được nhìn ngắm 2 bên đồng ruộng. Vẻ đẹp theo mùa vụ và sinh hoạt của nhà nông tạo khung cảnh yên bình dễ chịu. |