Trước đây, nông dân trên địa bàn xã Lương Phi thường trồng cây đinh lăng với số lượng nhỏ, chủ yếu để làm kiểng hay làm hàng rào, thức ăn hoặc để điều trị một số bệnh thông thường. Thời gian gần đây, cây đinh lăng được nhiều người tìm mua để làm dược liệu, thấy được nguồn lợi đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng để phục vụ nhu cầu của người dân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Song (ấp An Nhơn, xã Lương Phi).
Ông Song chia sẻ: “Gần đây, bà con nông dân tại xã Lương Phi trồng cây đinh lăng rầm rộ, bởi cây đinh lăng có lá dùng ăn sống ngon, còn rễ cây dùng ngâm rượu có thể điều trị nhiều loại bệnh nên được ví như “cây nhân sâm”. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, cách đây 5 năm tôi đã tận dụng 4 công đất vườn tạp trồng xen canh 4.000 cây đinh lăng”.
Cây đinh lăng giúp nhiều gia đinh nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích
Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật trong chăm sóc cũng như kinh nghiệm sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ được địa phương hỗ trợ mời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, ông Song trang bị được những kiến thức, kỹ thuật cơ bản và mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhờ vậy, việc chăm sóc ngày càng thuận lợi, cây đinh lăng cho năng suất cao, bán được giá, từ đó gia đình ông bớt khó khăn hơn. “Đinh lăng là loại cây dược liệu quý, thu hoạch triệt để từ lá, thân, gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh, được thị trường ưa chuộng, tin dùng nên bà con ở đây rất yên tâm sản xuất. Hiện nay, thu nhập từ 4 công đinh lăng mang lại cho gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng/năm” - ông Song chia sẻ.
Cùng quan điểm với ông Song, ông Trần Văn Thanh chia sẻ, tại xã Lương Phi, cây đinh lăng thường được trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác (chủ yếu là cây xoài), nên tận dụng được tối đa diện tích đất, đồng thời tận dụng tán của cây xoài để che bớt nắng. Ngoài ra, cây đinh lăng rất thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương nên phát triển tốt, tính dược cao hơn so với nhiều nơi khác.
Theo ông Thanh, cây đinh lăng là loại cây dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, ít bị sâu bệnh gây hại, chỉ mất 6 tháng trồng là cây có thể thu hoạch lá và thân. Lá được bà con phơi khô rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất thuốc trong và ngoài tỉnh với giá 40.000-60.000 đồng/kg. Đinh lăng trồng 3 năm là có thể cho thu hoạch rễ, trọng lượng đạt từ 1-1,2kg, giá bán bình quân 400.000 đồng/kg. Đặc biệt, cây đinh lăng có thể nhân giống bằng cách giâm cành nên nông dân đỡ tốn chi phí trong vụ tiếp theo.
Thấy được tiềm năng của cây đinh lăng đối với đời sống của nông dân địa phương, thời gian qua, Hội Nông dân xã Lương Phi đã chủ động xây dựng các mô hình liên kết trong các hội viên. Qua đó, đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ đinh lăng ở 2 ấp An Ninh và An Nhơn, với 27 thành viên tham gia canh tác trên diện tích 11,6ha. Các thành viên đoàn kết gắn bó với nhau cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hợp tác mua bán giống cây và củ đinh lăng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Một vài hộ trong tổ hợp tác tận dụng thân, lá, củ chế biến rượu đinh lăng bán cho người tiêu dùng địa phương và các xã lân cận để tăng thêm thu nhập.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Lương Phi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ bà con trong sản xuất và tìm kiếm thị trường, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập trên cùng 1 đơn vị diện tích đất.
Ngoài giá trị kinh tế cao, cây đinh lăng còn được biết đến là cây thuốc chữa bệnh hiệu quả. Theo đông y, đinh lăng có tác dụng giúp an thần, bổ trợ giấc ngủ, giảm đau nhức xương khớp, bổ thận tráng dương, tăng cường chức năng sinh lý
|
ĐÌNH ĐỨC