Là con nhà nông, sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm một thời gian, anh Giang quay về tiếp nối nghề của gia đình. Song, với hướng đi và cách nhìn khác thế hệ trước, ngay từ những ngày đầu, anh Giang lựa chọn trồng giống lúa Nhật.
Chia sẻ với chúng tôi, chàng thanh niên trẻ nói rằng, ban đầu gia đình rất phản đối về lựa chọn đó. Một phần là chưa có kinh nghiệm, phần sợ rủi ro khi không nắm rõ đặc tính của giống lúa Nhật. Song, đã nghĩ là làm, anh Giang quyết tâm chứng minh bằng kết quả cụ thể. Anh ký hợp đồng bao tiêu lúa Nhật ngay từ đầu vụ với Công ty TNHH Angimex - Kitoku. Vừa làm, anh vừa học hỏi kinh nghiệm. Suốt quá trình trồng, nhân viên của công ty luôn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên anh Giang rất yên tâm.
Mô hình mang lại hiệu quả vượt trội
Theo đó, anh Giang chọn trồng giống lúa Akita Komachi. Đây là giống lúa thuần, thuộc loài phụ Japonica, trồng được 3 vụ/năm, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85 - 120 ngày). Những năm gần đây, giống lúa này được trồng ở nhiều địa phương, cho kết quả tốt, ưu điểm nổi trội, như: Ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng vùng miền, thân cây ít ngã đổ, ít sâu bệnh nên nông dân có thể hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Từ đó, chi phí canh tác cũng thấp hơn so với lúa thường. Giống lúa hạt tròn và gạo rất thơm, dẻo, được xem là tiềm năng, phù hợp với việc nâng cao giá trị ngành nông nghiệp địa phương.
“Ưu thế của sản xuất lúa Nhật là năng suất đạt cao, được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá hấp dẫn, nên lợi nhuận thu về gấp nhiều lần so với lúa thường. Tôi đang trồng 2,2ha lúa Nhật. Sau khi trừ hết chi phí, 1ha lúa Nhật cho lợi nhuận từ 23-25 triệu đồng (lúa thường đạt khoảng 15-20 triệu đồng)” - anh Giang nói.
Anh Giang luôn tìm tòi, học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất
Đã có kinh nghiệm trồng lúa Nhật 6 năm, nhưng ứng dụng phun xịt bằng máy bay điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh mới được anh Giang áp dụng 2 năm trở lại đây. Mục đích nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiết kiệm phân bón trong sản xuất.
Phân tích tính ưu việt của ứng dụng, anh Giang cho biết: “Công nghệ phun xịt bằng máy bay dựa trên sự tính toán, kiểm soát bằng công nghệ tin học; công nghệ định vị chính xác bằng vệ tinh, phân tích dữ liệu và điều khiển bơm phun tự động, không phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của con người. Từ đó, giúp kiểm soát, tiết kiệm lượng nước, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn đảm bảo việc phun rải đều, không bỏ sót, không chồng lấn trên một diện tích”.
Khi bay phun, lượng nước thuốc được ép ra dưới dạng sương mịn, bao phủ hết khu vực cây trồng trên mỗi đường bay, trên mặt lá và toàn bộ vùng không khí khu vực mặt ruộng máy bay đi qua. Nhờ công nghệ phun sương, các hạt thuốc được phun ra dưới dạng sương mù giúp thẩm thấu tốt, tăng hiệu quả diệt trừ sâu bệnh mà lại tiết kiệm thuốc, hiệu suất phun vượt trội.
Nếu trước đây, nông dân phải mất hàng giờ đồng hồ để phun cho 1ha lúa, thì giờ đây máy bay chỉ mất khoảng 15 phút là hoàn thành xong công việc. Khi ứng dụng công nghệ máy bay không người lái, việc phun thuốc trừ sâu cho cây lúa sẽ được thực hiện tự động hóa hoàn toàn. Đồng thời, giảm thiểu độc hại cho con người, bảo vệ môi trường và tăng khả năng phòng trừ sâu, bệnh hại.
Mô hình nông nghiệp trồng giống lúa Nhật liên kết chất lượng cao, ứng dụng công nghệ phun bằng máy bay điều khiển từ xa qua điện thoại di động của anh Trần Hoàng Giang đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ VI/2022. Tổng chi phí đầu tư cho mô hình trên 130 triệu đồng. Anh Giang tính toán, lợi nhuận sau 3 năm sẽ đạt gần 400 triệu đồng. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích mô hình 1ha.
PHƯƠNG LAN