Mô hình "con cá ôm cây lúa
Ruộng lúa cá lội
Trưa nắng gắt, từ Đường tỉnh 948, chúng tôi rẽ vào kênh Bưng Tiền, rồi chạy vào rừng tràm Trà Sư. Lân la hỏi thăm nhiều nông dân khác mới đến được nhà của ông Sáu Sương. Trong bộ đồ lấm lem bùn đất, gặp chúng tôi, ông Sáu Sương mừng rơn: “Vừa ăn cơm trưa xong, tôi chuẩn bị vào giữ ruộng thì gặp chú em”.
Dẫn chúng tôi vào thăm đám lúa chín vàng, ông Sáu Sương chậm rãi mở cánh cổng rào cho xe chạy sâu vô trong. Nằm sát rừng tràm Trà Sư, ruộng lúa đang chín vàng của lão nông có diện tích gần 4ha. Tận dụng con đường ven rừng đổ bê-tông phẳng phiu, ngày 2 buổi ông Sáu Sương sớm tối thăm đồng. Trên khu đất trống, ông cất láng trại trú mưa, che nắng để trông coi đàn cá đồng. Ông cho hay: “Đạo chích” nhiều lắm! Phải trực 24/24 giờ thì mới mong còn cá thu hoạch.
Ruộng lúa khá vuông vức, ông Sáu Sương còn đào con mương nhỏ sâu hơn 1,5m dọc theo bờ mẫu để trữ nước. Trên bờ ruộng được bao quanh lưới, chiều cao hơn 1,5m, dài gần 1km. Tấm lưới giăng từ lúc mùa nước nổi để dẫn dụ cá vào bên trong ruộng. Mùa khô, loại ngư cụ này có tác dụng ngăn chặn người dân vào bên trong “chích” cá.
Ngồi thư thả trong láng trại, thi thoảng cơn gió nhẹ lướt qua mát rượi, chúng tôi cảm nhận không gian ở đây rất yên bình. Ngoài xa, những cánh cò trắng vỗ lạch phạch săn mồi. Khung cảnh trên đồng lúa vàng nặng hạt bao la, dưới chân ruộng cá táp lụp bụp, nghe thật thi vị…
Lâu lắm rồi, chúng tôi mới được tận hưởng cảnh hoang dã thế này. Nhìn ruộng lúa vàng cúi đầu nặng trĩu, Sáu Sương khoe, trồng lúa kết hợp nuôi cá chân ruộng đỡ tốn nhiều thứ! Lúa hấp thụ chất hữu cơ có sẵn trong đất nên trổ oằn bông. Đây là lần đầu tiên ông ứng dụng mô hình này, nhưng rất hiệu quả trong canh tác lúa hiện nay.
“Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Cây lúa ít sâu bệnh, hấp thu nguồn dinh dưỡng, năng suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm sau, tôi sẽ làm bài bản hơn, phải dẫn dụ cá từ đầu mùa lũ thì lượng cá vào bên trong sẽ nhiều. Tôi mê mô hình này dữ lắm! Dù cực, gia đình tôi vẫn cố gắng làm, tạo thêm thu nhập trên mảnh ruộng của mình” - ông Sáu Sương tâm sự.
Ông Sáu Sương cùng nông dân bắt cá
“Làm 1, ăn 2”
Theo ông Sáu Sương, canh tác lúa và nuôi cá trên một mảnh đất được xem là mô hình “2 trong 1”, mang lại hiệu quả kép. Mô hình này được áp dụng từ giữa mùa nước nổi đến nay. Trong mùa lũ, ông đã dùng lưới đăng quầng xung quanh 4ha. Sau đó, đầu tư mua 6 miệng đú (dớn) để dẫn dụ cá vào ruộng.
Khi lũ trên đồng cạn nước, cá rút xuống con mương quanh ruộng, cũng là lúc làm đồng, sạ lúa. Khi mạ xanh mơn mởn, thì bơm nước vào ngâm chân lúa. Thời điểm này, nguồn cá dưới mương bơi lên ruộng tìm mồi ăn. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là sâu, bọ rầy, cào cào, châu chấu, dế… Chất thải từ cá giúp cây lúa hấp thụ hữu cơ phát triển rất tốt, mà không cần đến phân bón hóa học.
Đối với mảnh ruộng bị nhiễm cỏ dại, lúa lộn làm ảnh hưởng đến mật độ sinh trưởng của cây lúa, ông Sáu Sương phải tìm những loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn đối với nguồn cá trong ruộng. Khi phun thuốc diệt cỏ, phải tháo nước khô ruộng để cá rút xuống mương. Sau khi diệt cỏ xong, vài ngày sau, tiếp tục bơm nước vào ruộng để cá tìm thức ăn. Ngày thu hoạch cá, chúng tôi có mặt tại ruộng mới thấy hết sự thú vị ở miệt đồng sâu. Các anh nông dân đến xắn tay cùng Sáu Sương bủa lưới bắt cá rộn rã trên đồng. Sau khoảng hơn nửa giờ, các anh thu lưới, những con cá rô (cỡ 3 - 4 ngón tay) dính lưới kẹo nẹo trông mê mắt.
Trên bờ nhiều người đến xem, giơ điện thoại ghi lại những khoảnh khắc hiếm hoi. Hiện nay, cảnh bắt cá đồng theo kiểu chụp mương, chụp đìa ít phổ biến như cái thời cha ông đi khẩn hoang. Lần dỡ tay lưới, những anh nông dân gỡ cá đồng lia lịa, trông rất mê. Chỉ với 50m lưới giăng, đã bắt gần chục ký cá rô đồng đủ cỡ.
Còn những con cá lóc, Sáu Sương dùng đú đặt dưới mương, sau khoảng 15 phút, cá chạy đầy túi lưới. Bưng thau cá lên bờ đê, bạn hàng đến cân không chừa con nào. Anh Vũ, tiểu thương chợ Long Xuyên tặc lưỡi: “Nguồn cá đồng ở đây rất đẹp. Đặc biệt, nguồn cá lóc đồng “size” từ 250gr đến dưới 1kg rất nhiều. Nguồn cá này, tiêu thụ tại Long Xuyên rất mạnh, có bao nhiêu tôi mua hết. Giờ cá đồng hiếm lắm”.
Sau khi bắt cá, Sáu Sương thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, năng suất đạt gần 10 tấn/ha, thương lái mua tại đồng 7.500 đồng/kg. Vụ này, vừa bán cá, vừa bán lúa, ông bỏ túi ngót nghét 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhớ về những ngày đầu dẫn dụ cá vào ruộng, ông Sáu Sương bồi hồi kể: “Ruộng thuê mỗi vụ 1 triệu đồng/công. Mấy năm nay chủ yếu canh tác lúa, giá cả bấp bênh. Năm 2023 đến nay, giá lúa khởi sắc, nông dân có lãi. Riêng, vụ đông xuân này, Sáu Sương được Dự án WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) thí điểm đăng quầng nuôi cá tự nhiên tại ruộng lúa của mình. Trong mùa lũ, WWF đã hỗ trợ gần 1.000m lưới thái, cây tràm, cọc, bóng đèn, giống cá rô đồng.
“Bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Vụ đông xuân năm sau, tôi làm khoa học hơn, vừa thu hoạch lúa trúng mùa, vừa bán cá trúng vụ, tăng lợi nhuận lên gấp nhiều lần thì mới thỏa mãn niềm đam mê của tôi” - ông Sáu Sương trần tình.
Theo ông Sáu Sương, mô hình này cực nhất là vào thời điểm đăng quầng dẫn dụ cá thiên nhiên. Mùa gió bấc, sóng vỗ oàm oạp có thể cuốn trôi mất giàn lưới. Do đó, phải trầm mình xuống nước mò mẫm, cố định từng đường ven, cây cọc tre. “Nếu không kiểm tra, lưới hỏng chân, cá sẽ chui ra bên ngoài thì coi như thất bại. Mùa gió bấc lạnh thấu xương, móp méo tay chân, dù đêm khuya, tôi vẫn ngâm mình xuống nước để giữ cá” - Sáu Sương tâm sự.
Có được thành quả ngọt ngào trong vụ đông xuân này, Sáu Sương đã cực công miệt mài trên mảnh ruộng của mình. Dù dải nắng, dầm mưa trên đồng, lão nông “chân đất” vẫn say mê, nặng tình với mô hình “con cá ôm cây lúa” đầy mộc mạc, chân quê.
Hôm trực tiếp xem thu hoạch cá, TS Chau Thi Đa, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao mô hình thí điểm đăng quầng cá tự nhiên đã được UBND tỉnh An Giang phê duyệt. Đây là mô hình “thuận thiên”, vừa sản xuất bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho nông dân thích nghi với biến đổi khí hậu. |
HOÀNG MỸ