Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”

05/12/2019 - 00:14

 - Bên cạnh việc siết chặt điều kiện nhập khẩu chung thì một số địa phương của Trung Quốc giáp ranh với Việt Nam còn có thêm những quy định riêng khó khăn hơn. Để xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, doanh nghiệp (DN) cần thường xuyên cập nhật thông tin, tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và tập trung vào xuất khẩu chính ngạch, bởi Trung Quốc không còn là thị trường giá rẻ, “dễ dãi” như trước đây.

Gây khó từ biên giới

Là địa phương có chung đường biên giới đất liền giáp các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) được xem là cửa ngõ quan trọng để đưa nông sản Việt Nam vào thị trường đông dân nhất thế giới này. Trong đó, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của An Giang như: gạo, nếp, cá tra, trái cây… cũng xuất vào Trung Quốc từ hướng tỉnh Quảng Tây. Thời gian qua, Trung Quốc đã đột ngột đưa ra những quy định mới về điều kiện nhập khẩu khiến hàng hóa Việt Nam liên tục bị “ùn ứ” nơi cửa khẩu do thiếu thủ tục, giấy tờ hoặc chưa đáp ứng được điều kiện của quốc gia này. Trong khi các ngành chức năng, DN đang loay hoay ứng phó với quy định chung của Trung Quốc thì từ giữa năm nay, tỉnh Quảng Tây đã ban hành “Điều lệ an toàn thực phẩm Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây” (Điều lệ Quảng Tây) nhằm tăng cường quản lý, giám sát chất lượng đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm (lương thực, rau xanh, trái cây tươi, trái cây khô, măng, gia súc, gia cầm, thịt các loại, trứng, mật ong, thủy sản, hải sản và nấm) tiêu thụ trên địa bàn Quảng Tây. Những quy định này được xem là gây khó cho nông sản Việt Nam.

Nông sản, thực phẩm An Giang muốn xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng nhiều quy định mới

Mới đây, Sở Công thương đã có văn bản khuyến cáo về việc tỉnh Quảng Tây tăng cường quản lý an toàn thực phẩm. Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, một trong những nội dung cần lưu ý là quy định tại Điều 34, Chương III của Điều lệ Quảng Tây với nội dung: “Người kinh doanh thực phẩm khi tiến hành thu mua thực phẩm nhập khẩu cần kiểm tra các văn bản chứng minh đạt tiêu chuẩn do cơ quan hải quan cấp. Nếu mua từ nhà cung cấp khác, cần kiểm tra giấy phép kinh doanh thực phẩm của nhà cung cấp, văn bản chứng minh đạt tiêu chuẩn do cơ quan hải quan cấp và lưu giữ bản photo các giấy tờ liên quan. Thời hạn lưu trữ không dưới 6 tháng sau khi sản phẩm thực phẩm hết hạn sử dụng. Nếu là thực phẩm không có hạn sử dụng rõ ràng, thời hạn lưu trữ tài liệu không dưới 2 năm sau ngày tiêu thụ sản phẩm thực phẩm. Người kinh doanh thực phẩm nhập khẩu cần xây dựng chế độ ghi chép việc kiểm tra đối với thực phẩm nhập khẩu và ghi chép thực tế những nội dung như: tên gọi, quy cách, số lượng, thời gian sản xuất hoặc số lô sản xuất hoặc nhập khẩu, hạn sử dụng, ngày nhập hàng và tên, địa chỉ, phương thức liên hệ của nhà nhập khẩu hoặc người cung cấp hàng hóa, đồng thời lưu giữ nhật ký ghi chép và chứng nhận liên quan theo quy định về lưu trữ; thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định”.

Thay đổi tư duy xuất khẩu

Ông Phan Lợi cho rằng, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn, do phía Trung Quốc tăng cường thực hiện các quy định về công tác truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, bao bì sản phẩm, thực phẩm nhập khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới…

Trong văn bản mới đây, Sở Công thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng như các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các DN, hộ nông dân về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng. Bên cạnh tăng cường cung cấp thông tin về các quy định của thị trường Trung Quốc, của tỉnh Quảng Tây đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu thì cần tuyên truyền, thay đổi tư duy coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính” như quan niệm lâu nay. Các địa phương, DN cần phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xây dựng quy trình sản xuất, gia công, chế biến hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh và phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tăng cường định hướng các DN tại địa bàn thay đổi phương thức xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy nhằm hạn chế các rủi ro phát sinh trong giao dịch, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN