Tư duy làm nông nghiệp của người trẻ

23/08/2022 - 07:09

 - Trong khi nhiều người tìm cách “ly nông” muốn đổi đời theo các công việc khác, thì có “dòng chảy” ngược hướng từ các bạn trẻ mang màu sắc tích cực quay về với… nông nghiệp. Lợi thế của họ là tri thức, tư duy tiến bộ, điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại thuận lợi, từ đó dễ dàng “làm mới” trong từng mô hình, mang lại kết quả tối ưu hơn.

Vì nhiều động cơ khác nhau, những thanh niên được học hành, trải nghiệm công việc ở môi trường bên ngoài, tích lũy kinh nghiệm… rồi quay về với nghề nông.

Ra trường và đi làm 4 năm tại TP. Cần Thơ trong lĩnh vực trồng nấm, bạn Nguyễn Hoàng Ngọc Yến (xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn trăn trở tìm cách phát triển nguồn thực phẩm này tại quê nhà.

“Ở xứ đạo, người ăn chay rất nhiều, nên nấm là một trong số thực phẩm được tiêu thụ thường xuyên. Vậy mà lượng nấm trồng ở địa phương rất ít, phải mua từ các huyện khác. Quá trình vận chuyển, tập quán trồng ngoài trời ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả khá nhiều. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi cùng bàn nhau trồng nấm để khởi nghiệp ở quê” - Ngọc Yến cho biết.

Với tri thức, cách tiếp cận mới mẻ, thế hệ trẻ đã góp phần “làm mới” nghề nông truyền thống

Từ mô hình ban đầu chỉ trồng nấm rơm trong nhà kín, đến nay Yến phát triển thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Tận dụng nguồn rơm trong sản xuất lúa, nếp tại địa phương để trồng nấm, bã từ phôi nấm tiếp tục trở thành nguyên liệu trồng dưa lưới… Trong quy trình này, Ngọc Yến lên ý tưởng để chủ động từ sản xuất ban đầu đến đầu ra cho nông sản.

Nhà nấm được đảm bảo nhiệt độ bằng hệ thống làm mát tự động, trang bị máy cảm biến để tự tạo độ ẩm khi cần thiết, không mất công canh chừng, theo dõi hàng ngày. Quy trình mới khắc phục được ảnh hưởng của thời tiết, sản xuất bài bản hơn dựa trên tính toán chính xác của máy móc, nhờ vậy Ngọc Yến có thời gian lên ý tưởng nâng tầm mô hình.

Mong muốn đổi màu bức tranh nông nghiệp, bạn Hồ Thanh Tuấn (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) đem kiến thức từ chương trình đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel, cộng với vốn kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh để áp dụng. Tuấn xây dựng nhà màng 1.000m2 để trồng dưa lưới, với bể lọc nước, hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn chỉnh.

Bên trong nhà màng, dưa lưới được chăm sóc quy trình nghiêm ngặt, thả ong tự nhiên để thụ phấn thay vì làm thủ công. Tâm huyết của chàng cử nhân công nghệ sinh học lúc bấy giờ là hướng đi khác lạ trong mắt người ở quê. Bởi mấy ai bỏ công “đèn sách”, học tập kinh nghiệm khắp nơi rồi trở về làm nông, cái nghề vốn được xem là cơ cực nhất nhì.

Cũng là một người “rẽ lối” sau khi tốt nghiệp sư phạm, bạn Chau Si Tha (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) dành 2 năm để nghiên cứu thành công sản phẩm me chua tách vỏ. Ý tưởng này ra đời khi Chau Si Tha nhận thấy ở địa phương có rất nhiều me mọc tự nhiên, nhưng người dân ít tận dụng để “hái ra tiền”.

Một suy nghĩ nhỏ thôi thúc bạn mày mò cách chế biến sản phẩm tách vỏ và phơi khô, giữ lại nguyên vẹn, màu sắc, mùi vị và không sử dụng chất bảo quản. Chau Si Tha cho biết, qua những đợt bán thử nghiệm, sản phẩm được đánh giá tích cực và ngày càng có nhiều khách hàng đón nhận, đặt mua số lượng lớn.

Ngày càng xuất hiện nhiều “tiktoker” truyền cảm hứng xu hướng “bỏ phố về quê”. Tuy nhiên, phía sau mỗi người là một câu chuyện với muôn vàn lý do chưa được chia sẻ. Những bạn mạnh dạn rời môi trường làm việc hiện tại, xa đô thị và cơ hội thăng tiến… trước hết hiểu rõ lựa chọn của mình và mục tiêu hướng đến.

Trong số những mong muốn chính đáng, có lý do lớn lao nơi các bạn trẻ là sự yêu mến đối với quê hương, khát khao đổi mới cho mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình trưởng thành. Vẫn là trồng trọt, vẫn chăn nuôi, ngày ngày “chân lấm tay bùn”, nhưng những nông dân trẻ đã đem lại hiệu quả cao hơn so với cách làm nông truyền thống của ông bà, cha mẹ.

Theo Ngọc Yến, làm nông hiện nay không chỉ giải bài toán làm sao để khỏe hơn ông bà ngày xưa, mà năng suất làm được, thu nhập cho gia đình và giá trị của sản phẩm đều phải được nâng lên. Trợ lực cho các thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay là mạng xã hội giúp quảng cáo, tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Bên cạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, các bạn còn chú trọng giữ lại điều kiện, môi trường tự nhiên tốt nhất cho đất đai và môi trường xung quanh. Cùng với đó, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên với sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là động lực để các mô hình được “chắp cánh” phát triển.

Trên địa bàn của một tỉnh thuần nông như An Giang, ngoài cây lúa, con cá, ngày nay đã có rất nhiều mô hình của thanh niên khởi nghiệp thành công. Bên cạnh mang về những cây trồng, vật nuôi mới đem lại giá trị kinh tế cao, họ còn sản xuất “thuận thiên”, tạo sức hút riêng cho mảnh vườn bằng việc mở ra dịch vụ tham quan, trải nghiệm không khí đồng quê… Giàu kiến thức và có cách tiếp cận mới, sức trẻ, sự năng động và sáng tạo còn góp phần khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp, lan tỏa tinh thần tích cực trong làm kinh tế nông nghiệp.

MỸ HẠNH