Các thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại điểm thi Trường THPT Cẩm Khê (Phú Thọ). Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Chất lượng chưa đồng đều
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 đợt 1, 10 tỉnh, thành phố có điểm trung bình cao nhất cả nước là: Bình Dương (7,056 điểm), Nam Định (6,996 điểm), Ninh Bình (6,903 điểm), An Giang (6,869 điểm), Vĩnh Phúc (6,862 điểm), Hà Nam (6,806 điểm), Bạc Liêu (6,714 điểm), Vĩnh Long (6,691 điểm), TP Hồ Chí Minh (6,688 điểm) và Phú Thọ (6,662 điểm). Đây cũng là các tỉnh có điểm trung bình cao tại kỳ thi này những năm trước.
Ba địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 thấp nhất (đều dưới 6,0) là: Cao Bằng, Hoà Bình và Hà Giang. Những năm trước, các tỉnh này cũng liên tục đứng cuối bảng.
Tính về số lượng điểm 10, Hà Nội có số lượng điểm 10 nhiều nhất cả nước với 2.239 bài, tiếp sau đó là TP Hồ Chí Minh với 1.641 điểm 10; Thanh Hóa có 1.275 điểm 10; Hải Phòng có 1.124 điểm 10.
Về kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và điểm học bạ lớp 12, xét theo tỉnh, thành phố, nhiều nơi có kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi trùng nhau ở một số môn hoặc chênh lệch trên dưới 1 điểm. Tuy nhiên, vẫn có địa phương, điểm học bạ và điểm thi chênh nhau đến hơn 3, chẳng hạn môn Lịch sử ở Long An, điểm học bạ cao hơn điểm thi 3,371, Sóc Trăng 3,339, Hải Phòng 3,168…
Hà Nội có mức chênh lệch lớn nhất giữa điểm trung bình học bạ và điểm thi ở nhiều môn nhất. Với Lịch sử, mức chênh là 3,376, Sinh học 3,184, Hóa học 1,757, Địa lý 1,503. Ở môn Tiếng Anh, Hà Giang có điểm học bạ cao hơn điểm thi 2,439. Với các môn thi khác, mức chênh lệch ở tất cả các tỉnh, thành phố chỉ từ 1,757 trở xuống.
Đi sâu vào phân tích phổ điểm của từng địa phương, vùng miền, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, kết quả điểm thi phản ánh khách quan chất lượng dạy học của các địa phương, vùng miền. Cụ thể, những địa phương, vùng miền có truyền thống học tập, điều kiện dạy học tốt thì kết quả thi cao hơn; các địa phương, vùng miền có điều kiện khó khăn hơn thì điểm thi cũng thấp hơn.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh. Kết quả đối sánh cho thấy, vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với năm 2020, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp. Tại một số địa phương, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ. Đối với các môn có kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 còn thấp, như Tiếng Anh, Lịch sử, mức chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi có phần cao hơn các môn khác. Điều đó có nghĩa, việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường chưa tương đồng với thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Nhận xét về kết quả đối sánh, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, điểm thi và điểm học bạ có sự khác biệt không lớn. Cụ thể, môn Toán và Ngữ Văn có độ chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ của tất cả các địa phương là tương đối thấp. Độ chênh với môn Toán cao nhất là 1,6 điểm, môn Văn là 1,4, nhưng số lượng địa phương có mức chênh lệch này rất ít. Điều này cho thấy, trên cả nước, môn Toán và Ngữ Văn vẫn được chú trọng trong dạy học nhiều nhất. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, ở các môn khác, có địa phương tương đối ổn định, nhưng có địa phương lại chênh lệch điểm thi và học bạ lớn.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, qua kết quả đối sánh, có một số vấn đề đòi hỏi cần có cách lý giải hợp lý.
Trước hết, môn Giáo dục công dân là môn học duy nhất có điểm thi cao hơn điểm học bạ (-0,2 điểm). Hiện tượng này có thể do các nhà trường đã đổi mới cách dạy môn học Giáo dục công dân. Nội dung thi không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng mà tập trung vào đánh giá khả năng vận dụng, tìm hiểu nội dung của pháp luật, các chuẩn mực đạo đức, các quan hệ tình bạn, tình thầy trò. Cùng với hình thức thi trắc nghiệm khách quan và với học sinh lớp 12, các em đã trưởng thành, có hiểu biết nhất định về xã hội thì kết quả điểm thi Giáo dục công dân cao hơn điểm học bạ là điều dễ thấy.
Với môn Lịch sử, có địa phương điểm đối sánh cao trên 3 điểm. Điều này thể hiện sự không đồng bộ giữa quá trình dạy-học và thi. Theo ông Đặng Tự Ân, sự bất cập này tồn tại qua nhiều năm qua, đòi hỏi sự đổi mới trong viết sách giáo khoa cũng như hình thức thi và kiểm tra đánh giá học sinh khi học môn Lịch sử trong thời gian tới.
Riêng môn Tiếng Anh, phổ điểm có 2 đỉnh và cũng có điểm đối sánh cao. Điều này thể hiện sự không đồng đều về chất lượng dạy và học Ngoại ngữ ở các tỉnh, thành phố cũng như giữa các trường trong cùng một địa phương. Ông Đặng Tự Ân cho rằng, các trường phổ thông cần đổi mới cách dạy, cách học môn Ngoại ngữ cho tương xứng với vị trí ngang bằng môn Toán và Ngữ văn.
Đổi mới dạy và học Lịch sử - Ngoại ngữ
Tiếng Anh, Lịch sử là những môn thi có điểm trung bình thấp so với các môn thi khác, nhưng khi đối sánh với kết quả học bạ lớp 12 thì độ chênh lại nhiều hơn so với các môn khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, quá trình kiểm tra, đánh giá đối với các môn này ở các trường phổ thông đối với học sinh lớp 12 có phần "rộng tay" và chưa có sự tương đồng khi so sánh với cách đánh giá của kỳ thi tốt nghiệp vừa qua.
Lịch sử là môn duy nhất trong 9 môn thi có điểm trung bình dưới 5. Điều này tiếp tục thể hiện thực trạng dạy và học Lịch sử hiện nay tại các bậc học, nhất là bậc Trung học Phổ thông chưa hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh đạt điểm thấp môn Lịch sử. Điều đầu tiên phải kể đến việc nước ta đang ở giai đoạn hội nhập quốc tế nên người dân có nhu cầu quan tâm đến các môn học, lĩnh vực mang tính hội nhập như Tin học, Ngoại ngữ… ; các ngành nghề mang tính hội nhập hay phục vụ quá trình hội nhập như: Ngoại giao, Ngoại thương, Quan hệ quốc tế, Luật… Khi chọn để thi, học sinh không thích chọn các môn xã hội, đặc biệt là môn Sử. Cùng với đó, do cha mẹ thường hướng con theo những tổ hợp dễ chọn nghề, chọn trường và dễ tìm việc làm. Trong số những ngành nghề này, ít xuất hiện “bóng dáng” của môn Lịch sử.
Về phía các nhà trường, môn Lịch sử vẫn chưa thực sự được coi trọng, có chỗ, có nơi còn phân công giáo viên môn khác kiêm nhiệm dạy môn này. Một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết, đam mê, tìm tòi phương pháp đổi mới trong dạy Lịch sử, vì vậy, không truyền được cảm hứng cho học sinh. Thêm nữa, chương trình sách giáo khoa Sử vẫn dài; phương pháp dạy Sử chưa lôi cuốn. Lịch sử là câu chuyện kể về quá khứ. Nếu chỉ kể đơn thuần, cũ kỹ và dài dòng kiểu nhồi nhét kiến thức thì không ai muốn nghe, muốn học.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liệu, muốn điểm Lịch sử cải thiện trong những năm tới, phải có giải pháp đồng bộ từ giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà trường kết hợp sách giáo khoa và phương pháp dạy. Chỉ có giải pháp đồng bộ mới giúp chất lượng học Lịch sử, điểm thi Lịch sử được nâng lên.
Với môn tiếng Anh, nhiều chuyên gia và giáo viên cùng nhận định, phổ điểm cho thấy sự phân hoá giữa các địa phương, vùng miền. Cô Lê Phương Lan, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây, Hà Nội cho rằng: Đặc thù việc học tiếng Anh ảnh hưởng nhiều bởi cơ hội tiếp xúc với môi trường học, cơ hội được đầu tư cho học tập, khả năng tài chính của các gia đình…
Phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông khá giống với phổ điểm thi tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay, thể hiện trình độ tiếng Anh khác nhau giữa học sinh nông thôn và thành thị, nơi khó khăn và nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn.
Theo cô Lan, điểm thi Tiếng Anh tăng có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là ý thức học tiếng Anh, sự đầu tư cho dạy học tiếng Anh ngày càng được chú trọng. Các gia đình cũng đầu tư nhiều, học sinh không chỉ học Tiếng Anh ở trường mà học thêm tại các trung tâm, do đó các em học tốt Tiếng Anh hơn là đương nhiên.
Từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận, nếu môn nào, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì nơi đó cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.
Theo VIỆT HÀ (Báo Tin Tức)