Tỷ phú trồng lúa
Đó là nông dân Nguyễn Đức Nhuận (sinh năm 1972, khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang). Anh Nhuận vừa sản xuất, cung cấp giống lúa Nhật, hướng dẫn kỹ thuật, vừa đại diện công ty, đại diện hàng ngàn lượt nông dân hợp đồng bao tiêu lúa Nhật ngay từ đầu vụ với giá hợp lý; giúp nông dân yên tâm về giá cả, không lo đầu ra cho sản phẩm, không phụ thuộc thương lái.
Khởi nghiệp từ nghề cơ khí, anh có duyên hợp tác với Công ty TNHH Angimex - Kitoku. Thời đó, lúa Nhật đang khảo nghiệm ở An Giang, thế là anh bén duyên chuyển qua ngành nông nghiệp.
Anh Nhuận chia sẻ: “Tôi thuê 3.000m2 đất, trồng nghiên cứu lúa Nhật, rồi khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa khó tính của Nhật. Năng suất lúa hơn 6 tấn/ha, được công ty bao tiêu 3.240 đồng/kg lúa khô, cao gấp 3 lần so với lúa thường. Sau thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, từ thực tế, tôi thấy đây là giống lúa tiềm năng để phát triển kinh tế ổn định và có thể làm giàu từ giống lúa này”.
Canh tác lúa Nhật - mô hình sản xuất lúa đạt hiệu quả
Từ diện tích nhỏ ban đầu, anh Nhuận đã liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu trồng 4 loại giống lúa Nhật ở các địa phương. Đi đến đâu là anh thuê đất, trồng khảo nghiệm, hỗ trợ giống, kỹ thuật và mở rộng diện tích đến đó.
Anh vừa là đối tác của công ty, vừa là đại diện bao tiêu lúa với nông dân và cũng là người đại diện của nông dân giao dịch với công ty. Gần 10 năm rong ruổi, anh đã mở rộng diện tích trồng lúa Nhật 400 - 500ha/vụ ở TP. Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn... mỗi vụ cung cấp cho công ty hơn 1.000 tấn (năng suất hơn 6 tấn/ha).
Giai đoạn 2017 - 2022, anh đã hợp đồng bao tiêu lúa Nhật (các giống Hana Nomai, Kinu, Akita Komachi, Koshihikaki) cho bà con nông dân các phường: Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Phước (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) sản xuất trên 1.164ha, giá 6.000 - 8.000 đồng/kg ngay từ đầu vụ, đảm bảo nông dân sản xuất có lãi và không lo bị ép giá. Tổng thu nhập qua các năm đạt gần 10 tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 3,9 tỷ đồng.
Từ năm 2009 đến nay, anh phối hợp Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình (TP. Hà Nội) cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua lúa Nhật xuất khẩu cho nông dân diện tích hơn 650ha ở An Giang, Kiên Giang; sản lượng thu mua từ 5 tấn/vụ, lên 500 tấn/vụ, 5.000 tấn/vụ và hiện lên vài chục ngàn tấn/vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng.
“So với những giống lúa thơm dài ngày khác, lúa Nhật trồng theo hướng hữu cơ giúp phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, ít đổ ngã. Nông dân trồng lúa Nhật đạt lợi nhuận bình quân 25 - 40 triệu đồng/ha, trong khi canh tác lúa thông thường lợi nhuận khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha” - anh Nhuận chia sẻ.
Tỷ phú sầu riêng
Là người khởi nguồn trồng sầu riêng trên đất cù lao Chợ Mới, đến nay vườn trồng sầu riêng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel của ông Võ Văn Em (Bảy Em, ấp Long An, xã Long Kiến) đã tăng diện tích lên 12ha, thu nhập bạc tỷ mỗi năm, ông Bảy Em nghiễm nhiên trở thành tỷ phú nông thôn.
Tỷ phú sầu riêng Võ Văn Em
Đây là mô hình trồng sầu riêng hiệu quả hơn 12 năm qua, với diện tích 12ha trên vùng đất cù lao Ông Chưởng, được cấp mã số vùng trồng, với 2 giống chủ lực là sầu riêng Ri6 và Monthong.
Ngay từ khi gieo trồng, ông Bảy Em đã áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng an toàn, công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ, nên hạn chế được các loại sâu bệnh, tạo ra chất lượng trái sầu riêng thơm, ngon đặc trưng.
Ông Bảy Em cho biết: “Với kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, vườn sầu riêng cho năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán hiện tại 100.000 đồng/kg. Mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản lượng 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,7 tỷ đồng/ha. Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ, công nghệ sản xuất sạch, chất lượng, nên được thương lái tới tận vườn thu mua, sản phẩm không đủ cung cấp cho doanh nghiệp” - ông Bảy Em bày tỏ.
“Vốn xuất thân từ nhà nông, cuộc sống của tôi gắn liền sản xuất nông nghiệp, khởi đầu từ làm dịch vụ trong nông nghiệp với 2 chiếc máy cày, 2 chiếc máy gặt đập liên hợp và làm dịch vụ bơm nước... cho doanh thu ngót nghét hơn 1,7 tỷ đồng/năm. Cộng với 30ha đất cho thuê, mang về doanh thu cho gia đình hơn 700 triệu đồng.
Bắt nhịp xu hướng thời đại, tôi phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp” - ông Bảy Em kể. Nhanh nhạy tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, cùng sự cần cù, chịu khó và năng động trong cách nghĩ, cách làm, đến nay ông có hơn 40ha đất sản xuất lúa và cây ăn trái.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa Nhật với anh Nhuận
Ngoài làm giàu bản thân ông Bảy Em còn hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống và đại diện doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho 40 - 50 nông dân quanh vùng. Mỗi vụ, ông cung cấp hơn 8.000 cây giống sầu riêng; đóng góp hơn 300 triệu đồng cho công tác xã hội - từ thiện của địa phương. Ông là điển hình nông dân SXKD giỏi của Trung ương và địa phương trong nhiều năm qua.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh có 86.118 nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, trong đó có 8.756 nông dân giỏi cấp tỉnh. Hơn 2.454 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí sản xuất (tăng 3 lần so giai đoạn 2017 - 2019).
Tổng doanh thu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh trên 11.525 tỷ đồng; hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh có thu nhập thấp nhất trên 150 triệu đồng/hộ/năm, cao nhất 26,25 tỷ đồng/hộ/năm.
|
HẠNH CHÂU