Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản sạch

20/12/2019 - 07:57

 - Thực tế cho thấy, với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân tiết kiệm chi phí, tăng năng suất trên cùng một đơn vị diện tích đất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong từng khâu hay cả chuỗi sản xuất còn giúp nông dân tạo được nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thời gian qua, được hỗ trợ và khuyến khích phát triển, các xã, phường ở TP. Long Xuyên hình thành nhiều mô hình sản xuất rau an toàn, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản theo các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP… Các mô hình sản xuất này giúp đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, đồng thời giảm các tác động xấu đến môi trường. Theo ông Võ Văn Nghĩa (Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên), bằng việc ứng dụng công nghệ cao, nông dân sản xuất được nông sản sạch. Từ đó, lợi nhuận được cải thiện vì tiết giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư đầu vào… Nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm đầu ra, với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.

Các mô hình sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ ngày càng được nông dân lựa chọn

Năm 2019, UBND TP. Long Xuyên đã chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương và người dân tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp đô thị. Theo đó, tập trung vào 3 ngành hàng chủ lực (lúa, thủy sản, rau màu), 3 ngành hàng tiềm năng (cây ăn trái, nấm ăn, hoa kiểng) và ngành hàng duy trì ổn định (chăn nuôi). Bước đầu đã tổ chức sản xuất lại từ nông hộ nhỏ lẻ sang phương thức liên kết, hợp tác song song với phát triển của thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích đất.

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa (trong đó lúa thơm, lúa Nhật đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp) tiếp tục được duy trì với diện tích 1.902ha, đạt 110,6% so kế hoạch. Khi tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ lúa Nhật với Công ty TNHH Angimex Kitoku và Công ty Phú Sĩ, nông dân ở các phường: Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa... đều áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “5 phải, 1 giảm”. Qua đó, năng suất lúa bình quân đạt 6,67 tấn/ha, giá bán lúa tươi tại ruộng từ 7.100-7.300 đồng/kg, chênh lệch so với lúa thường từ 2.200-2.500 đồng/kg. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí từ 10-16 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, còn các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được bà con thực hiện đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Theo ông Nghĩa, hiện nay trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng, ngoài tổ rau màu VietGAP (thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng) đã được công nhận thì trong năm 2019 đã thực hiện 2 mã code cho mặt hàng xoài cát Hòa Lộc, để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc nông sản. “Mỗi ngày, tổ rau màu VietGAP xã Mỹ Hòa Hưng cung ứng ra các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Long Xuyên khoảng 700kg rau an toàn, bán với giá cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Qua đó giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, có động lực tiếp tục theo đuổi việc sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch” - ông Nghĩa chia sẻ.

Năm 2019, TP. Long Xuyên đã phối hợp Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả 4 mô hình phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng. Cụ thể: mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc và chôm chôm kết hợp với du lịch sinh thái ứng dụng hệ thống tưới phun tự động (xã Mỹ Khánh) và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong liên kết sản xuất - tiêu thụ măng tây (xã Mỹ Hòa Hưng); mô hình trồng đu đủ và xoài theo hướng an toàn sinh học; mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao (xã Mỹ Khánh)... Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì vốn hỗ trợ từ quỹ Hỗ trợ của Hội Nông dân TP. Long Xuyên, tỉnh và các nguồn vốn vay của các quỹ tín dụng để thúc đẩy sản xuất.

ÁNH NGUYÊN