Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực

05/06/2024 - 07:00

 - Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh tập trung trên nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả nổi trội, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, An Giang ban hành danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm 18 sản phẩm thuộc 3 nhóm ngành hàng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực truyền thống, đóng góp tỷ trọng lớn trong GRDP và kim ngạch xuất khẩu.

Cá tra là sản phẩm chủ lực thứ hai, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu lớn. Ngoài ra, xoài cũng là sản phẩm chủ lực, có chất lượng cao, được thị trường trong nước và quốc tế ưa chuộng. Rau màu cũng là sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển.

Trong khi đó, cây dược liệu là sản phẩm đặc thù, có lợi thế phát triển, giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển lớn. Cùng với đó, du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh.

Ngoài ra, còn có một số sản phẩm có lợi thế khác được phân bổ tại các huyện, thị xã, thành phố. Mặt khác, hiện nay, tỉnh An Giang có 135 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận từ 3 sao trở lên của 96 chủ thể kinh tế. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao; 14 sản phẩm 4 sao; 119 sản phẩm 3 sao…

Hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ có những bước tiến quan trọng trong việc phát triển sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, giai đoạn 2016 - 2024, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đóng góp tích cực trong việc tăng hàm lượng KH&CN đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, năng suất cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh có lượng lúa gạo, cây ăn trái, cá tra, tôm càng xanh đứng hàng đầu trong cả nước. Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Một số đề tài có kết quả nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp như nghiên cứu chọn lọc được 3 giống lúa mùa ruộng, gồm: Móng Chim, AS-R05 và AS-R06. Đây là những giống lúa mùa có chất lượng tốt, năng suất trên 3,5 tấn/ha; chống chịu rầy nâu, đạo ôn và cháy bìa lá cấp 3 - 4; độ thơm từ 2 trở lên... Riêng giống Móng Chim có thể đáp ứng thị trường tiêu thụ tại Nhật vì dạng hạt tròn, nhỏ, thơm ngon, dễ canh tác.

Ngoài ra, tỉnh còn nghiên cứu, xây dựng quy trình ương cá tra quy mô hàng hóa với tỷ lệ sống đạt 50,15%, góp phần thúc đẩy, phát triển bền vững ngành hàng cá tra của An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Đồng thời, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và phương pháp bảo quản trái xoài ba màu tươi lên đến 36 ngày đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; nghiên cứu xây dựng vùng sản xuất giống cá lóc đạt chứng nhận GlobalGAP và nuôi thương phẩm đạt chứng nhận VietGAP...

Trong lĩnh vực y, dược đã đẩy mạnh nghiên cứu bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị các cây dược liệu quý, có nguồn gốc bản địa vùng Bảy Núi. Qua đó, đã xây dựng khu bảo tồn dược liệu rộng 10.200m2, với 35 giống dược liệu bản địa được lưu giữ. Hình thành 5 sản phẩm dược liệu sau thu hoạch, gồm: Xạ đen, hoàn ngọc, kim ngân hoa, trái khổ qua rừng, dây khổ qua rừng. Phát triển chế phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị từ cây ngải trắng, hoa thốt nốt và sầu đâu, đáp ứng sinh học bảo vệ gan, kháng ung thư, hỗ trợ điều trị đái tháo đường.

Theo UBND tỉnh An Giang, trong giai đoạn 2016 - 2024, đã tổ chức triển khai thực hiện 47 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, góp phần thực hiện phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Tính đến nay, đã có 2.546 tài sản trí tuệ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2024, có 914 nhãn hiệu cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên cơ sở bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, ưu tiên các đề tài, dự án phục vụ các chương trình, đề án trọng tâm phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế tại địa phương. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học; chủ động phối hợp các viện, trường nghiên cứu đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thúc đẩy hoạt động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân. Đồng thời, duy trì và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận, phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của tỉnh...

 

Trong phát triển du lịch, với mục tiêu xây dựng “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các nghiên cứu tập trung xây dựng quy hoạch phát triển 4 khu du lịch trọng điểm, gồm: Núi Cấm, Óc Eo, núi Sam, Trà Sư. Nghiên cứu phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch địa phương như bảo tồn nguồn lợi thủy sản khu vực Búng Bình Thiên; xây dựng mô hình cây ăn trái đặc sản chuyên canh. Đồng thời, nghiên cứu, cải tạo vườn tạp phục vụ phát triển du lịch ở TX. Tịnh Biên, huyện Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn; xây dựng mô hình phát triển du lịch TX. Tân Châu…

ĐỨC TOÀN