Ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà đông tảo

23/06/2020 - 06:47

 - Bằng việc học hỏi, ứng dụng những giải pháp công nghệ, kỹ thuật mới đã giúp anh Lê Quang Khánh (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, An Giang) khởi nghiệp thành công và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gà đông tảo, tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.

Trước đây, anh Lê Quang Khánh chọn mô hình nuôi gà ta để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, gà ta hay bị bệnh, lợi nhuận thu được không bao nhiêu, có lúc còn lỗ vốn. Không nản chí, anh Khánh lên mạng internet tìm hiểu cách nuôi gà đông tảo, thấy cách chăm sóc không quá khó mà lợi nhuận mang lại khả quan, vì giá bán cao nên bắt đầu tập tành nuôi thử vài con.

Từ việc nuôi thử, trong quá trình chăm sóc mỗi ngày, anh Khánh cảm thấy rất hứng thú với mô hình nuôi gà đông tảo và quyết định mở rộng quy mô, số lượng con giống. “Ban đầu, mình chưa có kinh nghiệm nên lân la học hỏi trên sách báo, youtube cũng như tham gia các hội, nhóm nuôi gà đông tảo trên mạng xã hội facebook. Được mấy anh, mấy chú hướng dẫn tận tình, rồi tự tìm hướng đi riêng cho bản thân” - anh Khánh chia sẻ.

Bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua kênh của Đoàn Thanh niên sẽ giúp anh Khánh mở rộng và phát triển mô hình nuôi gà đông tảo

Với quy mô hộ gia đình, số lượng gà mái mỗi đợt khoảng 100 con, thay vì nuôi thả rong, anh Khánh lựa chọn nuôi nhốt gà đông tảo trong lồng inox, xếp chồng lên nhau, cách biệt với nền trại. Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm của bản thân có được, cùng những kiến thức học hỏi trên mạng internet, anh Khánh còn thử nghiệm và thành công với kỹ thuật thụ tinh cho gà đông tảo, tỷ lệ trứng có phôi của gà mái sau đẻ đạt rất cao (gần 90%), số trứng ấp nở thành công đạt khoảng 80%.

Với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ đạt như vậy coi như thành công vì với cách cho gà lai tạo kiểu truyền thống thì tỷ lệ thấp hơn nhiều. Bản thân gà đông tảo có cặp chân rất to, gà càng tốt thì chân càng to, nếu cho gà trống và gà mái phối giống kiểu tự nhiên, tỷ lệ trứng có phôi cũng như ấp nở thành công rất thấp, chỉ từ 30-40%. Nguyên nhân do trong quá trình ấp, gà mẹ dễ giẫm đè vỡ trứng hoặc đè chết con, chăn nuôi sẽ không có lãi...

“Chính vì vậy, kỹ thuật thụ tinh cho gà đông tảo sẽ khắc phục được những nhược điểm đó. Đây không phải kỹ thuật mới, tuy nhiên không dễ thực hiện. Ngoài những kiến thức đã được học hỏi thì kinh nghiệm qua những lần thử nghiệm thất bại trước đó đã giúp mình rất nhiều, đúc kết được kỹ thuật riêng cho bản thân. Chẳng hạn như: cách chọn gà trống tốt, có chân to để lấy tinh, khi lai tạo thì con giống mới chất lượng; thời điểm có thể bơm tinh vào gà mái, lượng tinh bao nhiêu là vừa đủ; trứng 2 ngày đầu sau khi gà mái đẻ mới đem đi ấp nở con giống...” - anh Khánh thiệt tình chia sẻ.

Bên cạnh đó, so với phương pháp nuôi gà sinh sản cho phối giống tự nhiên, phương pháp thụ tinh nhân tạo giảm được tối đa số lượng con giống gà trống cần nuôi. Như vậy, sẽ giảm được lượng lớn chi phí đầu tư con giống, thức ăn... Đặc biệt là chất lượng gà con sinh ra đạt rất cao (con giống khỏe, mập đều, mang đầy đủ các đặc tính ưu tú của gà bố mẹ), nên khi bán ra được giá hơn.

Đối với phương pháp thụ tinh nhân tạo, gà mái không cần ấp trứng mà chỉ tập trung vào việc đẻ trứng, hết lứa này đến lứa khác, tỷ lệ trứng đạt rất cao. “Khi gà mái đẻ xong 1 đợt, sẽ được nuôi dưỡng, cho ăn lại khoảng 10-15 ngày sau tiếp tục bơm tinh cho gà mái đẻ tiếp. Sau khoảng 7-8 tháng nuôi cho gà đẻ, anh Khánh tiếp tục thay toàn bộ đàn gà mái mới để cải thiện chất lượng con giống tốt nhất. “Đây là những con gà mái được tuyển chọn từ đàn gà nuôi sẵn có, mình canh thời gian thay là chuẩn bị con giống mới, để có đủ số lượng gà cung cấp ra thị trường” - anh Khánh cho hay.

Chưa hết, anh Khánh còn kết nối được với đầu mối tiêu thụ, đợt gà nào xuất chuồng đều được thu mua với giá cả ổn định. “Tùy vào trọng lượng gà lớn, nhỏ mà giá bán có dao động. Tuy giá bán thấp hơn thị trường đôi chút nhưng được cái là mình liên kết làm ăn lâu dài, số lượng xuất bán mỗi đợt từ 50-200 con và được mua hết nên mình rất yên tâm làm ăn, khỏi lo chuyện đầu ra”- anh Khánh cho biết.

Với mô hình nuôi gà đông tảo sinh sản nhốt chuồng và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sẽ là hướng đi mà nhiều thanh niên, nông dân có thể lựa chọn áp dụng.

ÁNH NGUYÊN