Ứng phó phù hợp với mùa khô hạn

22/03/2021 - 04:25

 - Mùa khô năm nay được đánh giá khá gay gắt khi xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, ít mưa, có nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Việc tăng cường nạo vét kênh, mương, gia cố các công trình thủy lợi, chủ động bơm nước, trữ nước khi thủy triều lên là những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất mùa khô, hạn.

Quan tâm công tác thủy lợi

Mùa lũ năm 2020 về muộn, mực nước rất thấp, dự báo trước một mùa khô hạn gay gắt năm 2021. Do vậy, tỉnh đã chủ động nạo vét kênh, gia cố đê bao và duy tu sửa chữa cống, đập từ nguồn vốn hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, vốn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP. Theo đó, có tổng số 308 công trình với chiều dài gần 400km, khối lượng gần 1,28 triệu m3 đã được thi công, kinh phí thực hiện hơn 223 tỷ đồng. Trong đó, triển khai nạo vét 144 công trình, gia cố đê bao 95 công trình, duy tu, sửa chữa cống bọng 69 công trình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các công trình thủy lợi giai đoạn 2016-2019, đơn vị đã triển khai kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương và đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020-2025. Sở NN&PTNT đã hoàn thành báo cáo khảo sát thực địa để tính toán phương án nâng sức chứa nước hồ Thanh Long và Thủy Liêm trên núi Cấm (thuộc xã An Hảo, Tịnh Biên); thực hiện Đề án khai thác đa mục tiêu các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Mùa khô hạn năm nay khá gay gắt

Năm 2020, ước thiệt hại do mưa, giông trên địa bàn tỉnh khoảng 7,9 tỷ đồng, có 4 người bị thương, 595 căn nhà bị ảnh hưởng (sập 40 căn; tốc mái, xiêu vẹo 555 căn). Đối với nông nghiệp, thiên tai gây thiệt hại tổng diện tích 18.867,55ha, ước thiệt hại 232,5 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 59 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 3.779m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà, ước thiệt hại về đất khoảng 6,96 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai với tổng kinh phí gần 34,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương (hơn 8 tỷ đồng) và nguồn quỹ Phòng, chống thiên tai (trên 26,5 tỷ đồng).

Chủ động ứng phó

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, trong tháng 3-2021, mực nước tại các trạm thượng nguồn sông Mekong từ dưới Kratie biến đổi chậm. Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Mực nước trên các sông, kênh trong tỉnh An Giang chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều với 3 đợt triều cường vào đầu, giữa và cuối tháng 3.

Mực nước cao nhất tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long và vùng hạ lưu sông xuất hiện trong những ngày đầu tháng 3-2021, ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,2m; mực nước thấp nhất xuất hiện trong những ngày cuối tháng, ở mức cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,25m. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất tháng 3 tại các trạm xuất hiện trong những ngày đầu tháng, ở mức xấp xỉ và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,1m; mực nước thấp nhất xuất hiện trong những ngày cuối tháng, ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,05-0,2m.

Trước dự báo tình hình khô hạn vẫn còn gay gắt, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động phương án ứng phó. Trong đó, tiếp tục theo dõi thực hiện Đề án khai thác đa mục tiêu các hồ chứa nước trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; thực hiện công trình duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2021. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang thực hiện đầu tư các dự án thủy lợi mẫu. Chi cục Thủy lợi triển khai đề án nâng cao mực nước, tăng cường khả năng trữ nước trong mùa khô hạn phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế sạt lở, hạn chế nạo vét thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Vàm Nao. Song song đó, xây dựng kế hoạch phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Sở NN&PTNT đang hoàn chỉnh hồ sơ đặt hàng Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi do tỉnh quản lý năm 2021. Bên cạnh đó, kiểm tra việc thực hiện Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn, giai đoạn 2017-2025 khu vực nông thôn tỉnh An Giang; trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2020-2021.

Cùng với quản lý, vận hành 30 hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn cho hộ dân sử dụng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh có kế hoạch phát triển, đấu nối mới cho 1.000 hộ dân nông thôn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư mở rộng mạng ống, cải tạo nâng cấp các cụm xử lý, đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân nông thôn; không để xảy ra các “điểm nóng” thiếu nước sinh hoạt…

 

NGÔ CHUẨN