Vai trò thị trường và doanh nghiệp trong tái cơ cấu nông nghiệp

22/08/2022 - 07:13

 - Theo nhận định của nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp: Ngành nông nghiệp An Giang có 13 hạn chế chung với 24 nguyên nhân. Trong đó 2 khó khăn chủ đạo tỉnh đang đối mặt là: Thu nhập người dân nông thôn thấp hơn trung bình cả nước (34,7 triệu đồng/41,75 triệu đồng/năm). Đặc biệt là nông dân trồng lúa chỉ có thu nhập dưới 25 triệu đồng/năm và điệp khúc “được mùa, rớt giá” hầu như năm nào cũng lặp lại trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, kể cả một số loại nông sản mới từ quá trình tái cơ cấu hay chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây.

Còn nhiều hạn chế

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, An Giang sớm triển khai và phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã đạt được những kết quả sau hơn 7 năm thực hiện. Ngành nông nghiệp An Giang đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Sự bất cập đó cần thiết phải có sự nhìn nhận thấu đáo với đầy đủ cơ sở khoa học”.

GS.TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL) phân tích: “Nông nghiệp là trụ đỡ cho kinh tế của tỉnh. Cơ cấu rau màu trong lương thực thấp, cơ cấu chăn nuôi trong tổng giá trị nông sản cũng không cao. Đây là 2 vấn đề cốt lõi mà hơn 40 năm qua chúng ta chưa có giải pháp thích ứng. Chế biến nông sản theo chiến lược “giá trị gia tăng” được thảo luận không biết bao nhiêu cuộc họp, nhưng đầu tư trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Do vậy, nông dân thu nhập thấp, dù xuất khẩu ngày càng phát triển”.

Ông Trần Anh Thư cho rằng: “Với đặc thù của ngành nông nghiệp là sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa mang tính đồng loạt và có thời gian sử dụng khá ngắn, nên yếu tố thị trường và doanh nghiệp (DN) sẽ mang ý nghĩa to lớn hơn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, 2 mặt hàng được xem là chủ lực của tỉnh là trái cây và rau màu chỉ xuất sang các nước lân cận qua đường tiểu ngạch.

Trong khi toàn tỉnh chỉ có 1 DN là Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả. Yêu cầu của tỉnh khi tái cơ cấu nông nghiệp cần phải linh hoạt, theo định hướng thị trường; tập trung liên kết, tổ chức lại sản xuất; lấy DN làm đầu tàu các chuỗi liên kết, nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của DN và thị trường, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng: “Chuyển đổi nông nghiệp cần chú ý 3 mục tiêu: Tăng thu nhập nông dân và tạo việc làm; hiện đại hóa nông nghiệp và cải tiến chất lượng nông sản; thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.  

Cần nhiều giải pháp

An Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, tỉnh đang đối mặt với nhiều vấn đề mới ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Do đó, việc đánh giá lại đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và đưa ra định hướng phát triển là rất cần thiết.

Vừa qua, tại hội thảo tham vấn ý kiến hoàn chỉnh đề án đã nhận được nhiều đề xuất giải pháp của các chuyên gia giúp tỉnh đảm bảo tập trung nguồn lực và không cơ cấu tràn lan; giải pháp vừa đột phá, vừa tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng chuyển dịch từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” để ngành nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực.

GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho rằng: “An Giang là tỉnh đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp từ rất sớm, trước cả Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển toàn diện vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, An Giang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Người nông dân làm lúa tăng liên tục về sản lượng nhưng chưa giàu. Tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng kinh tế, mà phải nhận ngân sách từ Trung ương. Tỉnh đã chọn hướng tái cơ cấu nông nghiệp 3 nhóm ngành hàng chủ lực: Thủy sản - lúa - trái cây là hướng đi đúng”.

Do đó, cần cơ cấu lại: “Quy hoạch định hướng các vùng lớn, vùng nào có thể nuôi trồng sản phẩm gì, thị trường của sản phẩm đó ở đâu. Kế đó là tìm DN quan tâm về sản phẩm đó, tạo điều kiện cho họ đầu tư: Với vốn ưu đãi, lập nhà máy sơ chế/chế biến thương phẩm có giá trị; với quy mô đất đai cần thiết do hợp tác xã, nông dân liên kết, lập chuỗi cung ứng nguyên liệu; liên kết với công ty logistics để phân phối thương phẩm đến người tiêu dùng” - ông Võ Tòng Xuân đề xuất.  

GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL) đề xuất: “Nền kinh tế nông nghiệp An Giang phải được tổ chức theo chuỗi giá trị; tập trung sự chú ý và kỹ năng của DN nông nghiệp và thực phẩm vào nghiên cứu kinh doanh nông nghiệp, cũng như các hình thức tổ chức, quản lý khác nhau theo chiều dọc và ngang theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, nâng cao trình độ kiến thức nông nghiệp cho nông dân, liên kết sản xuất và tiêu thụ, phát triển cơ sở hạ tầng và ngành nghề phi nông nghiệp”.

HẠNH CHÂU