Văn học nghệ thuật phải là một phần của chính trị

26/11/2021 - 07:20

 - Văn học - nghệ thuật (VHNT) chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Do đó, VHNT không thể đứng ngoài chính trị như một quy luật khách quan. Tuy nhiên, đã có một số người, nhóm người vẫn cố tình chối bỏ, đi ngược quy luật khách quan đó.

Thời gian qua, một số người biến chất hoạt động trên lĩnh vực VHNT nước nhà được sự hà hơi, tiếp sức, kích động của các thế lực bên ngoài đã lớn tiếng đòi VHNT không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị hiện hành. Tiêu biểu là “Ban vận động Văn đoàn Việt Nam độc lập” với một số cây bút biến chất đã phiến diện cho rằng: VHNT do Đảng lãnh đạo là thứ VHNT minh họa nghị quyết, tô hồng thực tế.

Đáng buồn hơn, khi có nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong nền văn chương cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đã “tự làm mờ mắt mình”, phủ nhận chính “những đứa con tinh thần” của mình tạo ra, khi “loạn ngôn” rằng: Các tác phẩm văn học viết trong chiến tranh là những kiểu viết minh họa đầy chất “đặt hàng” của Đảng, chứ không phải do cảm xúc, do tình người của nhà văn. Do đó, những tác phẩm đó không có giá trị và phải có nhận thức mới để thoát khỏi sự can dự của Đảng. Tự nhận mình là những “nhà văn nghệ mở”, họ còn cho rằng, cần tạo nên “luồng gió mới” trong lĩnh vực báo chí, VHNT nước ta. Từ đó, họ đã “tiên phong” thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, cố tình bôi nhọ, đả kích các nhân vật, các nhà phê bình văn học có quan điểm chính thống, cho rằng họ là “con rối” trên diễn đàn văn chương.

Văn nghệ sĩ tỉnh An Giang luôn đồng hành với quá trình xây dựng, phát triển tỉnh nhà. (Ảnh chụp năm 2020)

Phải khẳng định rằng, khi đã hiển nhiên giữ vai trò chủ đạo trong một xã hội, thì chính trị không chỉ ảnh hưởng và tác động tới các hình thái ý thức xã hội, mà còn giữ vai trò lãnh đạo và chi phối mọi hoạt động vật chất, tinh thần của xã hội đó. Thực tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các tác phẩm VHNT có giá trị đều không thể lãng tránh vấn đề chính trị, đứng ngoài chính trị. Ở Việt Nam, vai trò chủ đạo của chính trị thể hiện rõ trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi nữa thì VHNT vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm cái đẹp. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật phải bổ sung cho nhau, làm cân bằng đời sống tinh thần của xã hội. Suy cho cùng, VHNT với mục tiêu hướng tới “chân - thiện - mỹ” cũng chính là đề cao cái đẹp của xã hội mà nó đang tồn tại. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo VHNT cũng nhằm thực hiện sứ mệnh đề cao cái đẹp, đề cao tính nhân văn của con người XHCN. Vì vậy, đó là yêu cầu khách quan, để đảm bảo VHNT phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân.

Trong Đề cương văn hóa - chiến lược đầu tiên của Đảng ra đời năm 1943, đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, tốt đẹp của con người Việt Nam… Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể, như: Cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, cách tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa. Đảng luôn chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo để VHNT phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo, trên cơ sở phát huy tính tự giác cao và mục tiêu đúng đắn.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (25-7-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Để tạo điều kiện cho VHNT phát triển, Đảng và nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với VHNT và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Tiếp nối tinh thần đó, các văn nghệ sĩ tại An Giang luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và tìm tòi những cái mới, cái hay, có những sáng tác nổi bật, đồng hành với quá trình xây dựng, phát triển quê hương An Giang.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh An Giang xác định sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 20-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục phát triển VHNT trong thời kỳ mới; Chương trình hành động 33-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tích cực xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ An Giang một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành với nhân dân, với lãnh đạo tỉnh và các ngành để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị. Đồng thời, đem tiếng nói VHNT đồng hành với tiếng nói chính trị, làm tốt trách nhiệm của văn nghệ sĩ, của người công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

THANH TIẾN

 

Liên kết hữu ích