Về núi Cấm “săn”… mây!

14/05/2025 - 07:16

 - Không chỉ nổi tiếng với những công trình Phật giáo độc đáo, huyền tích linh thiêng, núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) còn được du khách biết đến là nơi có phong cảnh hữu tình, nên thơ. Trong đó, mây là một trong những “đặc sản” của núi Cấm so với nơi khác ở ĐBSCL.

Đỉnh núi Cấm với “biển mây” xuất hiện

Chạm vào… mây

Chẳng biết tự bao giờ, tạo hóa đã cho núi Cấm một mùa mây đẹp thế! Dù bạn là người An Giang hay du khách thập phương, cũng sẽ phải xuýt xoa khi được đắm mình trong làn mây phủ mông lung trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ. Nhiều lần lên xuống núi Cấm, tôi cũng được đắm mình trong làn mây khói mờ ảo, điều làm nên danh xưng “Đà Lạt 2” cho núi Cấm.

Những người bạn ở núi Cấm nói rằng, muốn được chạm vào mây thì phải đợi đến mùa mưa. Khi đó, tiết trời se lạnh, mây ùa về viếng thăm đỉnh non cao. Quả thật, trong những sáng mùa mưa, khi cảnh vật còn ngáy ngủ trong lớp sương mờ, người dân núi Cấm đã trở dậy mưu sinh. Trong cái vẻ bình yên của Khu trung tâm hành hương hồ Thủy Liêm, chợ Mây đã nhóm từ rất sớm. Gọi là chợ Mây bởi chợ nhóm ở trong mây! Thực tế, chợ vẫn có đủ thứ nhu yếu phẩm, phục vụ cho cuộc sống của người dân trên núi Cấm. Đến chợ Mây vào sáng sớm, bạn sẽ được chạm vào mây. Cảm giác đó thật khó tả. Nó mát lạnh, dễ chịu, mơ màng và pha chút buồn buồn. Cũng có lúc, nó giống như bạn đang đi qua cơn mưa phùn, li ti giọt nước đáp vào người. Khi đó, lòng người cảm thấy thật nhẹ nhàng, lắng lọc nỗi buồn vào quá khứ.

Thích nhất là lúc dạo quanh hồ Thủy Liêm, ngắm nhìn những công trình Phật giáo ẩn hiện trong lớp mây mờ, mang đến cảm giác thoát tục và bình yên. Trong khung cảnh khi tỏ, khi mờ, bước chân du khách như trở về với sự an lạc của tâm hồn. Những mái ngói đỏ tươi của chùa Phật Lớn, những ngọn tháp như ngọn bút viết lên trời xanh của chùa Vạn Linh, hay nụ cười tự tại của đức Di Lặc giữa không gian bao la... luôn khiến người ta nhớ mãi.

Được trải nghiệm khung cảnh đó, tôi thích thú vô cùng, dù là “khách quen” của núi Cấm. Khác với cái vẻ nhộn nhịp trong dịp lễ, Tết, mùa hành hương, núi Cấm mùa mưa trở nên trầm mặc hơn. Những lúc ấy, người ta mới thực sự cảm nhận đầy đủ “chất thơ” của núi Cấm. Trên lối đi lát đá, mây bảng lảng theo dấu chân người. Hòa trong làn khói sương, mấy cành sim tím đong đưa, phảng phất chút buồn xa vắng. Thi thoảng, lại bắt gặp mấy chậu cẩm tú cầu khoe sắc, rồi hàng thông lặng lẽ bên bờ hồ soi bóng xuống mặt nước trong veo. Lúc ấy, cứ ngỡ mình đang ở đâu đó của “thành phố ngàn hoa” Đà Lạt.

Đi “săn” mây

Bởi mây là “đặc sản”, là một phần trong bức tranh thơ mộng của núi Cấm, nên được du khách gần xa tìm kiếm. Nói như người dân địa phương, đó là “săn” mây núi Cấm. Mùa mưa, mây xuất hiện rất nhiều. Nhưng để chứng kiến được những khoảnh khắc mây đẹp nhất, người ta cũng phải bỏ công đi tìm, phải lên núi vào sáng sớm. Khi đó, mây là đà mặt nước hồ Thủy Liêm, hay lổm ngổm bò trên triền dốc xa xa, thậm chí là tạo nên biển mây mênh mông mang đến góc nhìn thị giác vô cùng ấn tượng.

Nhiều du khách chọn mùa mưa mới lên núi Cấm, với mục đích “săn” mây. Họ nhờ người làm nghề vận chuyển hành khách đưa đến các địa điểm ngắm mây đẹp nhất. Đôi lúc, để “săn” được mây, du khách cũng phải thót tim vài bận với những cung đường dốc ngược, dốc xuôi. Đặc biệt, nhiều bạn trẻ còn tìm đến homestay trên núi Cấm để nghỉ qua đêm. Mục đích của họ là tận hưởng không khí trong lành, mát lạnh của Thiên Cấm Sơn về đêm. Sáng hôm sau, lại được ngắm cảnh mây giăng khắp núi rừng, được ghi lại khoảnh khắc của thanh xuân bên khung cảnh mờ ảo, có phần siêu thực của mùa mây núi Cấm. Hiện giờ, kiểu du lịch này đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng, giúp cho đời sống của người dân trên núi ổn định hơn.

Không chỉ du khách mới yêu thích mùa mây trên Thiên Cấm Sơn, mà cánh nhiếp ảnh cũng rất đam mê mảng sáng tác này. Với Dương Việt Anh (Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm), những tấm ảnh đẹp về núi Cấm là niềm đam mê bất tận, nhất là khung cảnh mây trời bảng lảng trên “nóc nhà miền Tây”. Tuy nhiên, việc “săn” được tấm ảnh có đám mây trôi bồng bềnh, hay biển mây mênh mông là rất khó. Dương Việt Anh cho biết, dù đang trong mùa mưa, nhưng không có nghĩa muốn chụp ảnh mây thì núi Cấm sẽ có mây. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cả thời gian. Có những ngày, anh lang thang khắp nơi trên núi Cấm vẫn không có được tấm ảnh ưng ý. Ảnh về núi Cấm khá nhiều, nhưng ảnh về mùa mây núi Cấm thật sự đẹp thì khá hiếm.

Sau tất cả, việc được “chạm” vào mùa mây núi Cấm luôn mang đến cho mỗi người cảm giác rất đặc biệt, vừa phấn khích lại vừa nhẹ nhàng, giúp tâm hồn tìm lại cảm giác cân bằng. Bởi thế, đây là dấu ấn đặc trưng đáng để mỗi người tìm kiếm, trải nghiệm và ghi nhớ, như một phần không thể quên của vùng đất An Giang sông núi hữu tình.

THANH TIẾN