Vì một nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững

12/05/2022 - 07:08

 - Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn An Giang, UBND tỉnh đặt mục tiêu nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, tiến đến mục tiêu nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, xây dựng các vùng nông thôn thành những “nơi đáng sống”. Mục tiêu quan trọng này đòi hỏi tất cả phải chung tay hành động.

Quảng bá đặc sản tại địa phương

Thay đổi nhận thức

Trong những giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, UBND tỉnh An Giang lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động. Qua tuyên truyền, nhằm phát huy vai trò của tổ chức cộng đồng, đoàn thể, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức của ngành nông nghiệp cấp địa phương, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân, người sản xuất - kinh doanh không lạm dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tăng cường biện pháp tái tạo nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng (sản xuất năng lượng tái tạo, tích lũy nước mưa, xử lý rác thải quy mô hộ, quy mô cơ sở sản xuất...); xử lý ô nhiễm ngay tại nguồn… nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp có trách nhiệm và đẩy mạnh tư duy phát triển bao trùm.

Các đơn vị chuyên môn quan tâm xây dựng mô hình trình diễn, hình thành lực lượng tư vấn, cập nhật và xây dựng giáo trình tập huấn, kết hợp truyền thông trong ngành… nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tuyên truyền trong trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề và cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã (HTX), liên kết với doanh nghiệp (DN) trong các chuỗi giá trị. Đồng thời, hỗ trợ nông hộ chuyển sang kinh doanh ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp; xây dựng chương trình hỗ trợ nông dân kinh doanh khởi nghiệp, khởi nghiệp làm nghề nông...

Giai đoạn 2021-2030, An Giang xây dựng và triển khai chính sách đột phá để phát triển “nông hộ nhỏ quy mô lớn”, như: Giao đất, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, cho vay vốn đầu tư, hỗ trợ HTX mua và phân phối chung vật tư đầu vào, liên kết với DN tiêu thụ nông sản đầu ra, cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất, bao gồm cả tín dụng. Tỉnh từng bước hình thành hệ thống DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân (cung cấp đầu vào, chế biến, thương mại) liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái ngành hàng gắn kết giữa DN lớn với DN nhỏ; xây dựng và phát triển vườn ươm DN khởi nghiệp.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn gắn với nhu cầu của DN, thị trường và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực hợp pháp, khuyến khích DN đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hình thành một số quỹ đầu tư mạo hiểm cho DN vừa và nhỏ, quỹ ứng dụng công nghệ cho nông dân, trang trại.

Tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong sản xuất giống, chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành.

Nhằm hướng đến phát triển bền vững, An Giang đẩy mạnh cơ chế đặt hàng và đấu thầu nhiệm vụ khoa học - công nghệ, nhằm khuyến khích rộng rãi nhiều thành phần tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ; có chính sách trọng dụng và phát triển đối với lực lượng nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng lực lượng chuyên gia đầu ngành.

Định hướng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, An Giang tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông của DN; phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng; phân cấp hoạt động khuyến nông cho tổ chức nông dân, HTX và DN; phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu và khuyến nông. Ngành chuyên môn tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; hài hòa hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, An Giang tập trung ứng dụng công nghệ số để giám sát nguồn cung chặt chẽ tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính, đánh giá nhu cầu tại thị trường chính trong và ngoài nước, giám sát lưu thông, tồn trữ hàng hóa vận chuyển tại cửa khẩu giao dịch chính. Từ đó, kịp thời cung cấp thông tin để cơ quan chức năng, DN và người dân chủ động điều chỉnh sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế cung vượt cầu, ùn ứ hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng…

NGÔ CHUẨN