Vì thế hệ mai sau

15/01/2020 - 04:08

 - Năm 2019, quỹ Khuyến học Doãn Tới An Giang tròn 10 năm thành lập. Trong ngần ấy thời gian, quỹ đã tổ chức cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên (HSSV) với số tiền 14,2 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 1,2 tỷ đồng được cấp phát), giúp cho hàng chục ngàn HSSV nghèo, học giỏi được tiếp bước đến trường, thực hiện ước mơ của mình.

Từ “khuyến học”

Học bổng Khuyến tài Doãn Tới An Giang, tiền thân là quỹ Học bổng Doãn Tới An Giang. Quỹ ra đời tháng 9-2009, do ông Doãn Tới (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt) và bà Dương Thị Kim Hương (vợ ông Doãn Tới) thành lập.

Xuất phát từ tấm lòng đối với quê hương, đất nước và thế hệ mai sau, năm 2009, ông Doãn Tới và bà Dương Thị Kim Hương quyết định dành ra 2 triệu USD để thành lập quỹ Khuyến học Doãn Tới Thanh Hóa (1 triệu USD) và 1 triệu USD còn lại, thành lập quỹ Khuyến học Doãn Tới An Giang.

Ở Thanh Hóa, tính đến thời điểm này, đã có 15.000 HSSV nhận được học bổng. Riêng tại An Giang trong 10 năm qua, quỹ Khuyến học Doãn Tới An Giang đã trao 14,2 tỷ đồng cho hơn 13.000 lượt HSSV nghèo học giỏi được tiếp bước đến trường.

“Chúng tôi đánh giá rất cao nghĩa cử cao đẹp này của ông Doãn Tới và bà Dương Thị Kim Hương. 10 năm qua, quỹ Khuyến học Doãn Tới góp phần xây dựng xã hội học tập, giúp các em HSSV nghèo học giỏi tiếp tục đến trường, thực hiện ước mơ của mình.

Ông Doãn Tới và Dương Thị Kim Hương, ngoài việc tạo điều kiện cho các em tiếp bước đến trường, ông bà còn làm một việc rất có ý nghĩa là “truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”- Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng chia sẻ.

Trao học bổng Khuyến tài Doãn Tới 

Ông Doãn Tới là thượng tá quân đội. Sau khi nghỉ hưu, ông đã thành lập doanh nghiệp chuyên nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Năm 2000, Nam Việt xây dựng nhà máy đông lạnh thủy sản đầu tiên mang tên Nam Việt.

Từ đó đến nay, lần lượt các nhà máy chế biến thủy sản mang tên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương đã ra đời. Công suất chế biến gần 1 triệu tấn cá/năm, hàng năm giải quyết 10.000 lao động tại An Giang, Cần Thơ có việc làm ổn định.

Nam Việt hiện nay đã trở thành tập đoàn thủy sản mạnh của cả nước với vùng nuôi 600ha, 4 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, 2 nhà máy chế biến thức ăn cho cá, doanh số xuất khẩu mỗi năm đạt 500 triệu USD.

Sang “khuyến tài”

Sau 10 năm đi vào hoạt động, quỹ Khuyến học Doãn Tới An Giang đã giúp trên 13.000 HSSV trong tỉnh được đến trường, giúp các sinh viên thu nhặt kiến thức để làm hành trang trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Đến nay, đã có nhiều HSSV giỏi nhận học bổng Doãn Tới để đi học, trong số đó có em đã ra trường và được tuyển dụng vào các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để làm việc, tiếp tục hành trình lập thân, lập nghiệp.

“Anh Doãn Tới và chị Hương là doanh nhân thành đạt, tiêu biểu. Hơn ai hết, anh chị biết chia sẻ với cộng đồng và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau. Đây là nghĩa cử rất cao quý. Tôi xin tri ân tấm lòng này của vợ chồng anh Doãn Tới và mong rằng, các em HSSV nhận được học bổng này phải cố gắng vươn lên để học tập, không ngại gian khổ, khó khăn, vươn lên trong cuộc sống” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chia sẻ.

Sau thời gian giúp các em HSSV nghèo học giỏi, nay quỹ Khuyến học Doãn Tới đã chuyển sang giúp đối tượng HSSV tài năng, thực hiện công tác khuyến tài. Từ nay trở đi, quỹ chính thức chuyển tên gọi là quỹ Khuyến tài Doãn Tới An Giang.

Ngày 22-12-2019 vừa qua, quỹ Khuyến tài Doãn Tới đã tổ chức lễ trao học bổng cho 39 em là sinh viên Trường Đại học An Giang và sinh viên đang theo học các trường đại học khác ngoài tỉnh với số tiền 275 triệu đồng.

“Khi nhận được học bổng Khuyến tài Doãn Tới, em và gia đình hết sức tự hào cho  sự phấn đấu, nỗ lực để vươn lên. Cầm trên tay suất học bổng này, bản thân em thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa trong học tập, lập thân, lập nghiệp để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ, nhất là cô chú Doãn Tới. Em sẽ sử dụng số tiền này cho việc học tập để bản thân tiếp tục phấn đấu vươn lên” - em Trương Thị Mỹ Chi (sinh viên Trường Đại học An Giang) chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN