Việt Nam: Điểm đến kinh doanh an toàn

10/05/2020 - 09:47

Thành công của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

Với những thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, Việt Nam đang dần định vị mình là một trong những điểm đến an toàn cho hoạt động kinh doanh, tận dụng nhu cầu của các nhà sản xuất quốc tế muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc.

Hãng tin Reuters vừa đưa ra nhận định trên, cùng với đó là đánh giá của các chuyên gia y tế công, theo đó, Việt Nam đang trên đường khôi phục kinh tế sớm hơn hầu hết quốc gia khác trong bối cảnh số ca Covid-19 tương đối thấp và không có trường hợp tử vong nào. "Nhờ phản ứng nhanh và thành công trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 (gây Covid-19), chúng tôi dự đoán đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch" - Công ty Phát triển liên doanh Kizuna, chuyên cho thuê nhà xưởng xây sẵn ở Việt Nam, dự báo.

Các cố vấn hỗ trợ cho những công ty nước ngoài tái di dời chuỗi cung ứng cho rằng thành công của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. "Cảm nhận của tôi từ nhiều cuộc thảo luận là so với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ nổi bật hơn nữa trong mắt nhà đầu tư nhờ ứng phó tốt dịch bệnh" - ông Michael Sieburg, một đối tác của Công ty Tư vấn YCP Solidiance chuyên tập trung vào châu Á, nhận định với Reuters.

Ngay cả trước đại dịch, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc cũng đã hướng tới Việt Nam để tránh tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, các thỏa thuận thương mại của Việt Nam, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần khuyến khích các nhà đầu tư.

Người dân tại một trung tâm mua sắm ở TP HCM hôm 28-4 sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng Ảnh: REUTERS

Ông Fred Burke, một đối tác quản lý tại Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie (Mỹ), nhận định phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã giúp trấn an các doanh nghiệp hoạt động tại nước này, từ đó có thể giúp kinh tế phục hồi. "Thông thường, khi đối mặt với một đại dịch như vậy, người nước ngoài sẽ quay trở về quê hương họ ở Bắc Mỹ, châu Âu hoặc thậm chí Đông Bắc Á. Tuy nhiên, với tỉ lệ tử vong do Covid-19 tương đối cao ở những khu vực này, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn khi ở đây" - ông Fred Burke giải thích.

Trong khi đó, đài CNBC (Mỹ) dẫn lời một số chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định Việt Nam có thể tránh được kịch bản suy thoái kinh tế trong năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn dịch Covid-19 kịp thời. Bà Sian Fenner, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Công ty Oxford Economics (Anh), nhận định Việt Nam sẽ không tránh được tác động từ sụt giảm nhu cầu toàn cầu nhưng dự báo không rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng âm. Lý giải về điều này, bà Fenner cho rằng Việt Nam đã tránh được làn sóng lây nhiễm lớn nhờ sớm áp dụng các biện pháp hạn chế biên giới và giãn cách xã hội. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam còn hưởng lợi nhờ sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng do thương chiến Mỹ - Trung.

Dù vậy, Việt Nam được cho là vẫn đối mặt không ít thách thức trong nỗ lực khôi phục kinh tế. Báo The Guardian (Anh) dẫn nội dung báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố tháng rồi cho biết ít nhất 10 triệu người Việt Nam có thể mất việc hoặc bị giảm thu nhập trong quý II-2020. Trong khi đó, chuyên gia Gareth Leather của Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) cho rằng triển vọng u ám của kinh tế thế giới có thể khiến kinh tế Việt Nam khó tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Theo báo The Guardian, Việt Nam không nên lơ là trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. 

Theo HOÀNG PHƯƠNG (Người lao động)

 

Liên kết hữu ích