Theo bà Vũ Thị Nga, vì tin tưởng, bà tham gia chơi hụi với bà G.T.H. Từ ngày 7/6/2020 đến 7/11/2021, hoàn tất dây hụi, nhưng bà H. không giao tiền hụi. Bà Nga khởi kiện bà H. đến Tòa án nhân dân (TAND) TP. Long Xuyên. Ngày 26/5/2022, TAND thành phố ra Quyết định 21/2022/QĐST-DS, công nhận sự thỏa thuận giữa đôi bên. Theo đó, bà H. thừa nhận còn nợ, có nghĩa vụ trả cho bà Nga số tiền còn nợ (tổng cộng 81 triệu đồng). Đây là tiền của dây hụi 300.000 đồng/tuần (mở ngày 12/12/2020, kết thúc 14/12/2021); dây hụi 2 triệu đồng/tháng (mở ngày 7/6/2020, kết thúc 7/11/2021). Thời gian, phương thức thanh toán số tiền trên, các bên thỏa thuận tại giai đoạn thi hành án. “Quyết định có hiệu lực thi hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thế nhưng, đến nay bà H. vẫn chưa thi hành án, trả nợ cho tôi. Rất mong cơ quan THADS sớm thi hành, buộc bà H. trả nợ cho tôi theo thỏa thuận” - bà Nga đề nghị.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục THADS TP. Long Xuyên cho biết: “Căn cứ bản án, Quyết định 21/2022/QĐST-DS, ngày 26/5/2022 của TAND TP. Long Xuyên, sau khi có đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, ngày 2/6/2022, Chi cục THADS TP. Long Xuyên ban hành Quyết định 1128/QĐ-CCTHADS, cho thi hành án đối với bà G.T.H (ngụ phường Bình Khánh). Bà H. có nghĩa vụ trả cho bà Vũ Thị Nga 81 triệu đồng. Quá trình tổ chức thi hành án, sau khi tống đạt quyết định thi hành, xác minh tại địa phương cùng các cơ quan chuyên môn, kết quả bà H. không có tài sản để xử lý, chưa có điều kiện thi hành án. Vì vậy, ngày 27/2/2023, Chi cục THADS TP. Long Xuyên ra Quyết định 102/QĐ-CCTHADS về việc chưa có điều kiện thi hành án. Đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, xác minh điều kiện thi hành án của bà H. Khi phát hiện bà H. có điều kiện thi hành án, sẽ tiến hành xử lý tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua làm việc, trao đổi với bà Nga và những người được thi hành án khác có liên quan trong việc tham gia hụi với bà H., đa số đương sự đều biết và thống nhất với quyết định giải quyết của cơ quan THADS”.
Thời gian qua, tình trạng vỡ nợ hụi xảy ra rất nhiều nơi trên cả nước, có trường hợp vỡ hụi với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều người điêu đứng, khổ sở vì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi, hoặc bỏ trốn bởi không còn khả năng chi trả. Thực tế, chơi hụi không vi phạm pháp luật, mà chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu việc chơi hụi nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thì hoạt động này được pháp luật bảo vệ.
Tham gia chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người tham gia, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật, hành vi này được điều chỉnh bằng các quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Vì vậy, cơ quan công an luôn khuyến cáo người dân nên chọn lựa các kênh đầu tư, các hình thức tiết kiệm, tích góp phù hợp, an toàn; nếu chọn hình thức góp vốn dựa vào uy tín thì phải hết sức cân nhắc và thận trọng trong việc lựa chọn người tham gia, đồng thời nắm vững các quy định của pháp luật liên quan, vừa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như những vi phạm pháp luật trong quá trình tham gia. Đồng thời, cảnh báo những người tổ chức góp vốn cần tuân thủ các quy định pháp luật, nghiêm cấm việc tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật, cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
K.N