Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala. (Ảnh: Reuters)
Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, cuộc xung đột Ukraine, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và thực phẩm tăng cộng với những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đang hình thành những điều kiện đưa nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Bà nhận định kinh tế toàn cầu đang tiến rất gần ngưỡng suy thoái nhưng điều cần làm là nghĩ tới biện pháp phục hồi để khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Bà lưu ý Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong khi các chỉ số thương mại đều "không khả quan".
Bà Okonjo-Iweala cho biết thêm các cú sốc về an ninh, khí hậu, năng lượng và giá thực phẩm đang ảnh hưởng đồng thời tới tất cả các quốc gia nên hoạt động kinh tế thế giới không được duy trì như bình thường. Các ngân hàng trung ương cũng có quá ít lựa chọn chính sách, biện pháp chủ yếu vẫn là tăng lãi suất. Tuy nhiên, ảnh hưởng của biện pháp này với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển thực sự nghiêm trọng khi họ cũng phải tăng lãi suất.
Tổng Giám đốc WTO phân tích những diễn biến tại các nước phát triển ảnh hưởng đến nợ công của các nước đang phát triển và mới nổi, ảnh hưởng đến khoản chi phí trả nợ, ảnh hưởng tới chính nguồn vốn từ các nước đang phát triển quay trở lại các nước phát triển.
Dù vậy, bà Okonjo-Iweala cũng thừa nhận rằng hiện các ngân hàng trung ương hầu như không còn cách nào khác là phải kiềm chế lạm phát vì tình trạng này đang tác động nặng nề tới người nghèo. Bà nhấn mạnh các ngân hàng trung ương phải xác định liệu lạm phát là do nhu cầu tăng mạnh hay do giá cả tăng vì những vấn đề về cấu trúc ở chuỗi cung ứng. Mối quan tâm hàng đầu là làm sao đảm bảo an ninh lương thực, tiếp đến là năng lượng.
Bà cho biết WTO có thể sẽ thảo luận về những thỏa thuận tham vọng hơn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, biến đổi khí hậu, cải cách nội bộ trong cuộc họp sắp tới.
Hồi tháng 6, WTO đã hoàn tất đàm phán một loạt thỏa thuận thương mại và đây là những thỏa thuận đầu tiên mà tổ chức này đạt được sau nhiều năm, trong đó có thỏa thuận về đánh bắt cá và thúc đẩy nguồn cung vaccine ngừa Covid-19. Nhà lãnh đạo WTO bày tỏ tin tưởng gói thỏa thuận mới thông qua là cơ sở giúp tổ chức này tự tin hơn về việc có thể giải quyết các vấn đề đa phương cùng nhau.
Theo TTXVN