WTO nhận định giai đoạn khó khăn đối với thương mại toàn cầu

31/07/2024 - 14:31

Ngày 30/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala nhận định thương mại toàn cầu đang trải qua thời kỳ khó khăn, với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp đơn phương hạn chế thương mại, trong bối cảnh những tác động của căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu tiếp tục là 'cơn gió ngược' đối với kinh tế thế giới.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Trong báo cáo thường niên của WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala nhận định xu hướng phân mảnh trong thương mại toàn cầu đã được đề cập từ nhiều năm qua, và giờ đây xu hướng này có lẽ đang bắt đầu xảy ra cùng với những dịch chuyển địa chính trị.

Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh vẫn có nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO chỉ ra rằng tương lai thương mại phụ thuộc vào các lĩnh vực dịch vụ, số hóa và kinh tế xanh. Theo đó, tăng trưởng và tạo việc làm được thúc thẩy thông qua số hóa, đồng thời thương mại cũng giúp tăng cường an ninh lương thực toàn cầu và đẩy nhanh tiến độ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Viện dẫn số liệu thực tế, người đứng đầu WTO cho biết khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm 2023 đã giảm 1,2%, sau khi tăng 3% vào năm trước đó, do nhiều nước chịu tác động của tình trạng lạm phát kéo dài và giá năng lượng cao. Tuy nhiên, sự suy giảm này đã được bù đắp một phần nhờ tăng trưởng mạnh mẽ 9% trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, một phần là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động du lịch sau đại dịch COVID-19. Trong năm 2023, tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt gần mức cao kỷ lục là 30.400 tỷ USD. Trong đó, thương mại kỹ thuật số đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Thế giới đã ghi nhận những tiến triển trong nỗ lực định hình bộ quy tắc thương mại kỹ thuật số toàn cầu vào ngày 26/7 vừa qua khi hàng chục quốc gia đã đưa ra được một một văn bản dự thảo về vấn đề này sau quá trình đàm phán. Tuy nhiên, nỗ lực này cần đạt được một văn bản cuối cùng, thu hút sự tham gia của nhiều bên hơn nữa, nhất là khi Mỹ và một số nước khác chưa tham gia. Dự thảo đề cập các biện pháp nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kỹ thuật số, chẳng hạn như bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, số hóa các thủ tục hải quan và công nhận chữ ký điện tử.

Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu - ông Valdis Dombrovskis đánh giá đây là bước đi mang tính "lịch sử" khi các nước đã bắt đầu đàm phán về các quy tắc đầu tiên trên thế giới về thương mại kỹ thuật số. Theo ông, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch điện tử, thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy các nước đang phát triển hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số.

Theo TTXVN