Xây dựng chuỗi giá trị lúa, gạo theo tiêu chuẩn SRP

09/01/2020 - 05:09

Khi tham gia trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP, giúp nông dân giảm chi phí 7,1%, thu nhập tăng 6,8% và lợi nhuận tăng 31,2%, tương ứng với 3,39 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng toàn bộ 4 triệu ha lúa của vùng ĐBSCL, lợi nhuận có thể tăng thêm 13.560 tỷ đồng/năm.

Vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn SRP

Doanh nghiệp tiên phong

Từ khi phát triển thêm ngành lương thực (đầu năm 2011), Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) tiên phong xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” trên địa bàn An Giang, sau đó nhân rộng sang các tỉnh ĐBSCL. Đến nay, Tập đoàn Lộc trời đã xây dựng được 5 nhà máy với đầy đủ các công đoạn (sấy, tồn trữ, bóc vỏ trấu, xát trắng và đóng bao bì, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại), đạt tổng công suất 700.000 tấn/năm. Trong đó, 2 nhà máy tại Thoại Sơn và Châu Thành (An Giang) đã được nâng cấp đạt công suất chế biến 200.000 tấn/nhà máy/năm (giai đoạn 2); các nhà máy tại Tân Hồng (Đồng Tháp), Vĩnh Hưng (Long An) và Hồng Dân (Bạc Liêu) duy trì công suất 100.000 tấn/năm (giai đoạn 1). Xung quanh 5 nhà máy này là các vùng nguyên liệu “Cánh đồng lớn” hợp tác sản xuất với nông dân. Mỗi vụ sản xuất, nông dân được Tập đoàn Lộc Trời cung ứng vật tư nông nghiệp (lúa giống cấp xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) trong vòng 120 ngày không tính lãi suất. Sau đó, Lộc Trời thu mua lúa tươi với giá thỏa thuận từ đầu vụ hoặc 1 tuần trước khi thu hoạch. “Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời chủ trương tìm thị trường tiêu thụ trước, sau đó mới quyết định tổ chức sản xuất. Cơ chế này giúp gạo luân chuyển nhanh, giảm lượng tồn kho lớn như trước đây” - PGS.TS Dương Văn Chín (Tập đoàn Lộc Trời) thông tin.

PGS.TS Dương Văn Chín cho biết, đến nay, Lộc Trời đã lai tạo chọn lọc thành công nhiều giống lúa mới chất lượng cao, phù hợp với đặc thù nhiều vùng đất như: Lộc trời 1, Lộc trời 2, Lộc trời 3, Lộc trời 4, Lộc trời 5, Lộc trời 28. Riêng giống Lộc trời 88 phù hợp luân canh trên vùng lúa - tôm, khả năng chịu mặn tốt, gạo rất ngon với chỉ số đường huyết (GI) rất thấp, được sử dụng để sản xuất ra gạo mầm Vibigaba. Nhằm tránh lãng phí lượng rơm đốt bỏ trên đồng cũng như giảm lệ thuộc vào phân hóa học, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng Nhà máy sản xuất chế phẩm trichoderma (TricoDHCT Lúa Von) với công suất 600 tấn/năm tại TP. Long Xuyên. Nhà máy ứng dụng công nghệ vi sinh trong phân hủy rơm rạ sau khi thu hoạch để làm phân bón ngay tại ruộng, đáp ứng được 600.000ha/năm. Qua nghiên cứu, chế phẩm chứa nhiều loài nấm trichoderma hoạt động tốt trong điều kiện ẩm và ngập nước. Công nghệ làm phân hữu cơ tại ruộng đã được áp dụng trên vùng nguyên liệu của Tập đoàn Lộc Trời, giúp nông dân tiết kiệm được 3 triệu đồng/ha/vụ khi giảm lượng phân hóa học. Điều quan trọng hơn là không cần đốt bỏ rơm rạ, vừa lãng phí chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Học tập tiến bộ của thế giới

PGS.TS Dương Văn Chín cho biết, bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời đã tham gia vào Diễn đàn quốc tế sản xuất lúa, gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform), tổ chức được đồng sáng lập bởi Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vào tháng 12-2011. Đây là một diễn đàn đa đối tác toàn cầu, bao gồm: các cơ quan chính phủ, các đơn vị thuộc khu vực tư nhân, viện nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận. Liên minh này thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu, sản xuất, cơ chế chính sách, buôn bán và tiêu dùng nhằm mục đích sản xuất lúa, gạo bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Số thành viên toàn cầu tính đến nay khoảng 104. Tại Việt Nam, mới có 2 đơn vị tham gia SRP là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Lộc Trời.

Cuối tháng 1-2016, Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức Hội nghị triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn SRP lần đầu tiên tại Việt Nam cho các vùng nguyên liệu của tập đoàn trong vụ hè thu 2016. Có 3 địa bàn thực nghiệm SRP là Châu Thành (An Giang), Tam Nông (Đồng Tháp) và Tân Hiệp (Kiên Giang). Kể từ vụ hè thu 2018, SRP đã được mở rộng trên toàn bộ 100% địa bàn vùng nguyên liệu của Lộc Trời, với 3.737 hộ tham gia, diện tích 11.548,5ha. Kể từ vụ đông xuân 2018-2019, Lộc Trời áp dụng thưởng thêm tiền đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao. Theo đó, nếu điểm SRP trên 85 thì được thưởng thêm 50 đồng/kg lúa; 90 điểm là 100 đồng; 95 điểm là 200 đồng và 98 điểm là 300 đồng/kg lúa. Năm 2019, tổng số tiền thưởng đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao khoảng 3 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, khi trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giúp nông dân giảm lượng giống, giảm chi phí phân bón, chăm sóc lúa, sản phẩm bán được cao hơn. Thống kê cho thấy, giá thành sản xuất lúa đối với nông dân trong mô hình là 3.289 đồng/kg, trong khi ngoài mô hình là 3.560 đồng/kg, giúp nông dân trong mô hình đạt thu nhập cao hơn 3,39 triệu đồng/ha so với bên ngoài. Với tổng diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL khoảng 4 triệu ha, nếu toàn bộ nông dân trồng lúa ứng dụng công nghệ cao theo mô hình SRP thì tổng lợi nhuận tăng thêm lên đến 13.560 tỷ đồng/năm.

NGÔ CHUẨN