Xây dựng mã số vùng trồng

09/09/2022 - 07:34

 - Các tỉnh phía Nam giữ vai trò trọng điểm về vùng trồng lúa, rau màu và cây ăn trái. Do vậy, việc trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức của cán bộ, tổ chức, cá nhân và nông dân về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu là rất cần thiết, nhằm nâng cao giá trị nông sản, khai thác lợi thế nông nghiệp của địa phương.

Xây dựng mã số vùng trồng trên vùng cây ăn trái

Sự chủ động của An Giang

Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, nằm trong nhóm đầu ĐBSCL về sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, An Giang rất chú trọng xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, xem đây là điều kiện bắt buộc để các mặt hàng nông sản của tỉnh đáp ứng điều kiện xuất khẩu, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Ngày 5/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NN&PTNT về xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Theo đó, đến năm 2025, Cục BVTV hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng 1.846 mã số vùng trồng, diện tích 168.611ha và 30 cơ sở đóng gói duy trì điều kiện xuất khẩu gắn với mã số.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, đến nay, tỉnh đã cấp được 252 mã số vùng trồng và 21 mã số cho cơ sở đóng gói theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV (mã số vùng trồng) và TCCS 775:2020/BVTV (mã số cơ sở đóng gói). Trong 252 mã số vùng trồng, có 146 mã số cây ăn trái (140 mã số trên xoài, 4 mã số trên mít, 2 mã số trên nhãn); 1 mã số trên rau màu (ớt) và 105 mã số trên lúa, nếp.

Thị trường phục vụ xuất khẩu chủ yếu với cây ăn trái là: Trung Quốc, New Zealand, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản… Điểm nổi bật của An Giang là đẩy mạnh phối hợp cấp mã số vùng trồng trên lúa, nếp, thu hút doanh nghiệp (DN) cùng xây dựng mã số vùng trồng, phục vụ xuất khẩu gạo vào thị trường cao cấp, như: Úc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…

Việc chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa đang giúp Tập đoàn Lộc Trời tiến sâu vào thị trường EU, thị trường có giá trị cao nhưng cũng đòi hỏi rất cao về chất lượng. Sau khi trở thành đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào EU trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào tháng 9/2020, trong 2 năm qua, Tập đoàn Lộc Trời bán hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường EU.

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời trở thành DN tiên phong chủ động đưa thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” vào hệ thống Carrefour (đại siêu thị lớn nhất Châu Âu) và Leclerc (đại siêu thị hàng đầu tại Pháp). Đây là cơ hội để gạo Việt Nam xâm nhập vào hệ thống phân phối cuối cùng và phức tạp nhất Châu Âu.

Chú trọng chất lượng

“Việc áp dụng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói có vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu, quy định ngày càng cao của thị trường thế giới, tiến đến cấp mã số vùng trồng cho thị trường nội địa. Vấn đề đặt ra hiện nay là tăng mã số vùng trồng được cấp mới theo đúng thông lệ quốc tế, vừa duy trì, quản lý mã số vùng trồng được cấp” - ông Trương Kiến Thọ nhấn mạnh.

Đây cũng là lý do mà từ ngày 7 đến 9/9/2022, Cục BVTV phối hợp Sở NN&PTNT tập huấn về thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và triển khai nhật ký điện tử (Farmdiary) cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Thành phần tham gia lớp tập huấn là lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và BVTV 19 tỉnh, thành phố (mỗi tỉnh cử 3 người). Riêng “chủ nhà” An Giang được mời thêm một số DN, cá nhân và nông dân liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Lê Văn Thiệt cho biết, lớp tập huấn nhằm hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ cơ sở, DN, hợp tác xã, tổ hợp tác… nắm rõ quy định về thông tin, kiến thức và quy trình đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Việc tập huấn còn nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm trong sử dụng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để bảo vệ uy tín, thương hiệu nông sản Việt.

Tham quan thực tế, tìm hiểu việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại Hợp tác xã GAP cù lao Giêng (huyện Chợ Mới) càng giúp đại biểu các địa phương phía Nam có thêm kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác này.

Trong thời gian tập huấn tại An Giang, cùng với trang bị kiến thức chuyên môn về xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, các đơn vị chuyên môn của Cục BVTV còn giới thiệu nhật ký điện tử (Farmdiary). Đây là ứng dụng mới, giúp quản lý hiệu quả vùng trồng dựa trên nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp.

NGÔ CHUẨN