Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư là giá trị cốt lõi trong đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, đồng thời là yêu cầu, chuẩn mực đối với các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội trong hệ thống chính trị, hình thành nền chính trị liêm chính, xã hội liêm chính.
Thực tiễn chỉ ra rằng, xây dựng nền chính trị liêm chính không hề đơn giản vì vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Không có nền chính trị liêm chính sẽ dẫn đến nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ. Để xây dựng nền chính trị liêm chính cần thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng niềm tin và ý chí trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở, nền tảng để tập hợp mọi lực lượng, thống nhất hành động hướng đến mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân. Phải tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng, lý luận, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên. Phải luôn luôn nhớ lời Bác dạy: “Trước hết phải có đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành... Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”(3). Có hệ tư tưởng, quan điểm đúng đắn được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng, Đảng mới giương cao được ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, thống nhất mọi giai tầng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền chính trị liêm chính, bền vững phải dựa trên nền tảng lý luận khoa học và cách mạng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức liêm chính. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập, rèn luyện và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư sẽ trở thành nòng cốt, bảo đảm cho hệ thống chính trị liêm chính, nền chính trị liêm chính. Để làm được điều này phải có giải pháp chiến lược, lâu dài về công tác cán bộ, trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đảng ta là đảng cầm quyền, vì vậy phải quan tâm công tác phát triển đảng viên mới. Người xin gia nhập Đảng phải là những người giác ngộ lý tưởng cộng sản, dám hy sinh lợi ích cá nhân, phụng sự sự nghiệp của Đảng, Tổ quốc, nhân dân, có trách nhiệm với công việc được giao, thường xuyên gần gũi, kính trọng nhân dân, biết sống vì cộng đồng, biết giúp đỡ, sẻ chia, biết tham gia hoạt động xã hội. Họ là những thanh niên ưu tú trong các phong trào thanh niên, phong trào tự nguyện, từ thiện, phong trào bảo vệ môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, v.v. Hơn nữa, cần thông qua hoạt động thực tiễn để lựa chọn những người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có đạo đức, lối sống, tư cách tốt để tuyên truyền, giác ngộ những người này vào Đảng mới có nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm chính sau này.
Lựa chọn cán bộ để giới thiệu vào cơ quan đại biểu của nhân dân, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đã có nhiều quy định. Cần phải nhắc lại lời Bác dạy: muốn lựa chọn cán bộ đúng đắn phải căn cứ vào những tiêu chuẩn sau đây:
“a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng...
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo...
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.
Ba là, hoàn thiện pháp luật và đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật về liêm chính, trong đó quan tâm Luật cán bộ, công chức, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, v.v. theo hướng có thiết kế để ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ gốc, để cán bộ, công chức, viên chức không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cần học tập kinh nghiệm của cha ông và kinh nghiệm quốc tế: không bố trí làm quan ở quê hương, không bố trí lãnh đạo, quản lý ở một chức vụ quá hai nhiệm kỳ, tịch thu tài sản do tham nhũng mà có, thể chế hóa các nguyên tắc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức gắn với chế tài xử lý cụ thể.
Thời gian qua, chúng ta cũng có nhiều quy định mới trong pháp luật về liêm chính nhưng tổ chức thực hiện chưa nghiêm. Chẳng hạn về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, có kê khai nhưng không công khai rộng rãi, hay pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức vẫn còn là hình thức.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn, củng cố các thiết chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phải có các thiết chế đủ năng lực, quyền lực, có biện pháp mạnh mới đủ sức ngăn ngừa quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là bước phát triển mới trong các thiết chế bảo đảm liêm chính của hệ thống chính trị.
Năm là, có thiết kế để kiểm soát hiệu quả việc thực hiện quyền lực nhà nước. Phải kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước vì nếu không kiểm soát chặt chẽ các hành vi bất liêm, bất chính dễ xảy ra, hậu quả rất lớn và khó kiểm soát. Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các phương thức: kiểm soát trong nội bộ cơ quan nhà nước, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước và kiểm soát từ bên ngoài vào bộ máy nhà nước. Trong nội bộ cơ quan nhà nước cần quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước nơi để xảy ra tham nhũng, lãng phí lớn. Lâu nay đã có quy định nhưng cũng chưa xử lý được ai về trách nhiệm này.
Việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lực nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp cần thiết kế theo hướng bảo đảm hiệu quả các quyết định của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Phương thức kiểm soát từ bên ngoài vào bộ máy nhà nước bao gồm hoạt động kiểm tra của Đảng đối với các tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng. Thực tiễn cho thấy, đây là kênh kiểm soát có vai trò quan trọng, có hiệu quả, hiệu lực để có nhà nước liêm chính, phục vụ nhân dân. Ở kênh kiểm soát này, ngoài những giải pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó tăng cường các đoàn kiểm tra của Trung ương đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương nhạy cảm, nguy cơ dễ xảy ra bất liêm, bất chính như hiện nay đang làm, cần có giải pháp tăng cường, bảo đảm hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cũng như của nhân dân đối với cán bộ, công chức và bộ máy nhà nước.
Để kiểm soát quyền lực, đấu tranh với những hành vi bất liêm, bất chính, phải kiện toàn các cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm lâm, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cơ quan thuế, cảnh sát biển, kiểm toán nhà nước… để các cơ quan này trở thành công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều quan trọng là con người làm việc trong các cơ quan này phải được sàng lọc, tuyển dụng, bổ nhiệm theo quy trình chặt chẽ hơn, có chế độ chính sách phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, có chế độ bảo vệ nội bộ chặt chẽ hơn, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. Cần có quy định sa thải ngay cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật nếu vi phạm pháp luật, bảo kê, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm đạo đức công vụ, lối sống không lành mạnh… Bảo đảm liêm chính trong các cơ quan bảo vệ pháp luật mới có liêm chính trong hệ thống chính trị, thực hiện được yêu cầu xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai.
Sáu là, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giáo dục liêm chính, giáo dục đạo đức công vụ trong cán bộ, nhân dân. Phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục liêm chính đối với tất cả các đối tượng trong xã hội tạo cơ sở, nền tảng thực hiện liêm chính trong mọi công việc. Phải đưa việc phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục liêm chính vào các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng như các đối tượng ngoài xã hội. Công việc này nhằm hình thành nhân cách thượng tôn pháp luật, tôn trọng, yêu mến người liêm chính. Trong cơ chế thị trường cần thiết phải tiến hành giáo dục liêm chính trong hoạt động kinh doanh, xây dựng đạo đức kinh doanh trong đội ngũ doanh nhân, lên án xử lý nghiêm minh những hành vi bất liêm, bất chính trong sản xuất, kinh doanh.
Cần có những hình thức tôn vinh những hành động liêm chính, gương người tốt việc tốt, những việc tử tế trong đời thường góp phần hình thành văn hóa liêm chính trong đời sống xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có chuyên trang, chuyên mục giáo dục liêm chính, tôn vinh gương người tốt, việc tốt để thông tin về liêm chính, đạo đức, việc tử tế phải lấn át tin tức về quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bất liêm, bất chính trong hoạt động của hệ thống chính trị hằng ngày.
Xây dựng nền chính trị liêm chính đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nêu trên. Các giải pháp này đều có ý nghĩa chiến lược, tiến hành thường xuyên liên tục. Tuy vậy cần nhận thức rằng, tùy vào tình hình thực tiễn và yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn có thể đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cấp bách, có ý nghĩa đột phá, cần phải có biện pháp đặc biệt để tổ chức thực hiện. Các giải pháp bảo đảm xây dựng nền chính trị liêm chính luôn luôn gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn của hệ thống chính trị, nhưng điều quan trọng nhất là luôn luôn phải dựa vào dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhân dân thực hành giám sát liêm chính góp phần xây dựng nền chính trị liêm chính, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292.
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, tập 6, tr.129.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, tập 2, tr.289.
Theo Nhân Dân