Xây dựng thương hiệu nông sản cho vùng ĐBSCL

19/03/2021 - 06:16

 - Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, ĐBSCL cung cấp đến 56% tổng sản lượng lúa và 80% kim ngạch xuất khẩu, 60% sản lượng trái cây và 65% kim ngạch xuất khẩu, 70% sản lượng tôm và 60% kim ngạch xuất khẩu, 95% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra… Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL mới chỉ đóng góp 34,6% GDP nông nghiệp cả nước là chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Cần xây dựng thương hiệu cho vùng để nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập của nông dân.

Nông sản ĐBSCL phong phú, nếu xây dựng được nhãn hiệu tập thể sẽ nâng cao giá trị

Quan tâm nguồn tài nguyên bản địa

Theo nhiều doanh nghiệp (DN), việc phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng tài nguyên bản địa là một trong những chiến lược có tính thành công cao. Nguyên nhân, do thương hiệu bản địa đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, giúp DN dễ dàng trong việc quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. “Ví dụ như với dừa Bến Tre, Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) quan tâm đầu tư công nghệ chế biến để tất cả sản phẩm đều đạt chuẩn quốc tế, chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm của Beinco đã đạt được các chứng nhận uy tín trong nước, quốc tế, như: BRC, FDA, HALAL, KOSHER, USDA Organic, EU Organic, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt Nam chất lượng cao chuẩn hội nhập. Công ty luôn nghiêm túc trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từ thiết kế, màu sắc, bố cục của logo, bao bì đều được chuẩn hóa. Công ty đã tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là biện pháp bảo vệ loại tài sản vô hình rất cần thiết” - Giám đốc Công ty Beinco Trần Văn Đức chia sẻ.

Khi xây dựng được thương hiệu, Beinco đã đẩy mạnh bán hàng trên các kênh thương mại điện tử trong nước và quốc tế, như: Amazon, Alibaba, Tiki, Lazada, Shopee, Bến Tre Trade, Fanpage của công ty. Đồng thời, chủ động tham gia các chương trình triển lãm, kết nối cung-cầu trong, ngoài nước, như: Vietnam Expo, Viet food and Beverage, triển lãm Summer Fancy Foodshow (New York, Hoa Kỳ), Aunga (Đức), Thaifex (Thái Lan), Sial (Trung Quốc), Gulf Food (Dubai)… Beinco cũng đang tập trung vào xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng vùng nguyên liệu dừa tự chủ và vùng nguyên liệu dừa Organic để cho ra các sản phẩm chất lượng, giúp giữ vững thương hiệu trong nước và quốc tế.

Ông Trần Giang Khuê (Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quan tâm xây dựng thương hiệu là hướng đi tất yếu và cần thiết của vùng đất “Chín Rồng” hiện nay. “Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, có diện tích trên 40.000km2, dân số khoảng 19 triệu người, giữ vị thế là vựa lúa gạo, trái cây, thủy-hải sản của cả nước.

Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều đặc sản địa phương đặc thù có uy tín, danh tiếng và chất lượng cao, như: bưởi da xanh, dừa Bến Tre, sầu riêng Cái Mơn, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu Cao Lãnh, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ-ri Gò Công, bưởi năm roi Bình Minh, quýt đường Long Trị, gạo thơm Sóc Trăng, gạo nàng thơm Chợ Đào, gạo một bụi đỏ Hồng Dân, khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, mắm Châu Đốc, nước mắm Phú Quốc, cua Năm Căn, mật ong rừng U Minh Hạ...

Thực tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh các đặc sản địa phương đã thu được nhiều thành quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi có đặc sản. Đặc biệt, có những đặc sản trở thành thương hiệu lớn, có uy tín, danh tiếng không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng của vùng đang bị mai một và biến mất dần khỏi trí nhớ của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương” - ông Khuê đánh giá.

Chú trọng thương hiệu tập thể

Khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khi các lợi thế cạnh tranh bằng nguồn lực đất đai, tài nguyên sẵn có, lao động giá rẻ không còn; các chính sách hỗ trợ của nhà nước phải hạn chế theo các quy định quốc tế thì các DN sản xuất - kinh doanh đặc sản địa phương sẽ bị cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt, không chỉ tại các thị trường xuất khẩu mà còn ngay chính ở thị trường nội địa. Do vậy, xây dựng thương hiệu cho nông sản được xem là yếu tố sống còn cho vùng ĐBDCL.

Ông Trần Giang Khuê cho biết, những năm gần đây, các địa phương, DN của vùng ĐBSCL đều đã tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương mình, nhất là khi có sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong Chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ (giao Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý) đã thúc đẩy các hoạt động rộng khắp tại các địa phương.

Từng địa phương vùng ĐBSCL đã xây dựng chương trình phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình và đã hỗ trợ cho các DN, các nhà sản xuất - kinh doanh sản phẩm đặc sản địa phương mình nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng giá trị và từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, có những thương hiệu đặc sản như: nước mắm Phú Quốc đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc Cộng đồng Châu Âu; xoài cát Hòa Lộc sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, New Zealand, Nga; vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có giá bán tăng hơn đến 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể…

Tuy nhiên, cũng theo ông Khuê, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương của vùng ĐBSCL, thương hiệu mang tính tập thể hay tính cộng đồng, vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Kết quả là nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nằm trong trong tốp đầu thế giới, như: gạo, trà, cà phê, hạt điều, cá tra… thường chỉ là xuất thô, không hề có dấu ấn của thương hiệu Việt Nam vì các DN trực tiếp sản xuất - kinh doanh còn ít quan tâm đến xây dựng và phát triển thương hiệu cho chính DN mình, chứ chưa nói cho thương hiệu địa phương, vùng, miền hay thương hiệu quốc gia. Một trong những nguyên nhân là do DN eo hẹp về nguồn vốn tài chính nên ngại đầu tư, xây dựng thương hiệu. Chỉ có số ít DN có đầu tư bài bản, chiến lược lâu dài và có bộ phận chuyên trách để xây dựng và phát triển thương hiệu, điển hình như Tập đoàn Lộc Trời.

Ông Khuê cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho đặc sản của vùng ĐBSCL đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà” và vươn tầm ra thị trường quốc tế, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Đồng thời, để đảm bảo tính bền vững cần xây dựng và phát triển thương hiệu dưới cả 2 góc độ: là tài sản riêng của DN và tài sản chung của cộng đồng, của địa phương, vùng, miền để gắn kết hài hòa giữa lợi ích của các nhà sản xuất - kinh doanh và lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, của địa phương thì đặc sản mang thương hiệu địa phương mới phát triển.

NGÔ CHUẨN