Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi về thăm Khu Di tích Cách mạng xã Mỹ Khánh. Dù là xã ngoại ô của TP. Long Xuyên, nhưng tất cả các tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính xã hoặc các tuyến đường liên ấp đều được nâng cấp, láng nhựa phẳng phiu. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều cho thấy cuộc sống của người dân ở vùng căn cứ địa cách mạng xưa của TP. Long Xuyên đã khởi sắc.
Ông Trần Văn Hai ở ấp Bình Hòa, xã Mỹ Khánh, bộc bạch: “Trước đây, đời sống của người dân Mỹ Khánh rất khó khăn, đường sá đi lại không được thuận tiện. Từ khi xã nhà bắt tay xây dựng NTM, rồi sau đó đạt luôn chuẩn xã NTM nâng cao, thì các tuyến đường được mở rộng, nâng cấp để xe 4 bánh có thể đi lại dễ dàng.
Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cùng với máy móc hiện đại, nên thu nhập của bà con nông dân ngày khấm khá hơn nên ai nấy đều rất phấn khởi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng Nhà nước thực hiện cho bằng được xã NTM kiểu mẫu để mọi người được hưởng lợi nhiều hơn”.
Đường về Mỹ Khánh rợp bóng cờ Tổ quốc trong không khí hân hoan chào đón năm mới
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh Nguyễn Thái Phong cho biết, đến năm 2021, Mỹ Khánh đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao, với nhiều kết quả khá toàn diện. Nổi bật nhất vẫn là đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.
“Hiện, Mỹ Khánh đã đăng ký với thành phố và tỉnh đạt tiêu chí về lĩnh vực du lịch trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2024 Mỹ Khánh duy trì, nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được của NTM nâng cao.
Hiện tại, địa bàn xã có điểm du lịch sinh thái nông trại Phan Nam được UBND tỉnh công nhận và có hai sản phẩm Ocop là trà hoa đậu biếc, mứt atiso. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho vườn sinh thái Mỹ Khánh. Riêng vườn dâu Hai Thuận được chứng nhận 3 sản phẩm Ocop đạt chuẩn 3 sao là nước cốt dâu, mứt dâu và rượu dâu.
Do địa bàn xã trải rộng, diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trêm 90% nên trong thời gian tới địa phương tập trung vận động người dân cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao để hình thành thêm các điểm du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn cho địa phương”- ông Phong chia sẻ.
Chuyển đổi số ở cù lao Ông Hổ
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Hà Quốc Sử cho biết, là xã cù lao của TP. Long Xuyên nên bước đầu thực hiện xây dựng NTM cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hiện Mỹ Hòa Hưng đã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Hòa Hưng, một trong những tiêu chí mà địa phương thực hiện đạt kết quả cao đó là chuyển đổi số ở 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Mỹ Hòa Hưng thực hiện chính quyền số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên trang dịch vụ công trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bộ phận “một cửa” và khu vực chợ Trà Mơn.
Đường sá luôn sạch đẹp, góp phần làm cho mùa Xuân thêm rộn ràng hơn trên quê hương Bác Tôn
Bên cạnh đó, xã còn triển khai ấp thông minh (ấp Mỹ Khánh 2). Ban ấp cùng với khoảng 1.000 hộ dân nơi đây thành lập nhóm Zalo. Qua đó, tất cả các chủ trương, văn bản, thông tin nào muốn triển khai cho người dân đều được gửi lên nhóm để mọi người dân đều biết và thực hiện tốt. Về kinh tế số, xã có mô hình thương mại điện tử cho sản phẩm Ocop (sa tế ớt). Song song đó, Mỹ Hòa Hưng áp dụng mô hình camera an ninh trật tự, với 36 cái và 2 cụm loa thông minh trong quá trình thực hiện xã hội số.
“Hiện, chúng tôi đang tăng cường vận động người dân tiếp tục thực hiện đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số để xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời, hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để mọi người tham gia giao dịch liên quan thủ tục hành chính tốt hơn trên địa bàn trong thời gian tới”- ông Sử khẳng định.
Đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn
Để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Mỹ Khánh và Mỹ Hòa Hưng tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt được. Riêng đối với tiêu chí môi trường, đã chuyển hình thức thu gom xử lý rác thải do địa phương quản lý sang cho Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thực hiện.
Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải của xã đạt trên 97%, số còn lại đã được người dân đốt và chôn lắp. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom bao bì gói thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện quét rác hàng ngày đối với các tuyến đường liên xã phấn đấu đạt 100% trong năm nay và quyết tâm đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
|
Bài và ảnh: THÚY VÂN