Xử lý nghiêm người “gieo rắc” bệnh cho cộng đồng

12/07/2021 - 03:42

 - Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành phố, xuất phát từ hàng loạt nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong số đó, có nguyên nhân liên quan đến ý thức của người dân, khi không chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ và hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế. Chính vì vậy, đã và đang làm cho công tác phòng, chống dịch của toàn hệ thống chính trị và xã hội gặp khó khăn.

Một người vô trách nhiệm, cả cộng đồng gánh chịu

Khoảng 10 giờ, ngày 3-7, Nguyễn Văn Móm (tên gọi khác là Mến, sinh năm 1987, ngụ thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) điều khiển xe ôtô tải khởi hành từ chợ Bình Điền (quận 8, TP. Hồ Chí Minh) đi giao hàng tại Khu công nghiệp (KCN) Bình Long (huyện Châu Phú). Trong quá trình này, Móm đã đến giao nhận hàng tại huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang), TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) và huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ). Lịch trình dày đặc, nhưng khi đi qua chốt kiểm soát dịch Vàm Cống (TP. Long Xuyên) lúc 18 giờ cùng ngày, Móm chỉ khai lịch trình đến từ xã Vĩnh Trinh (TP. Cần Thơ). Nhờ vậy, đối tượng được lọt qua chốt kiểm soát.

30 phút sau, Móm đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang xét nghiệm COVID-19, nhưng không chờ kết quả mà tiếp tục điều khiển xe đi giao hàng tại KCN Bình Long. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện cho thấy, Móm dương tính với SARS-CoV-2. Sự chủ quan, thiếu ý thức của Móm đã khiến dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Ông T.V.B.E (ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) - người làm việc với Móm nhiều lần trong quá trình vận chuyển hàng từ xe ôtô của Móm đến KCN Bình Long - bị nhiễm bệnh.

Sáng 7-7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Long Xuyên ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Quyết định này nhận được sự đồng tình rất lớn từ người dân. Chỉ vì một người thiếu ý thức, nhiều người khác bị lao đao, xáo trộn toàn bộ cuộc sống. Nhiều khu vực bị giãn cách, phong tỏa, nhiều người trở thành F1, F2 buộc phải cách ly. Quá trình sản xuất - kinh doanh của các cơ sở, hộ kinh doanh bị đình trệ. Cả hệ thống chính trị "mất ăn, mất ngủ", ngày đêm truy vết, khoanh vùng để tránh làm dịch bệnh lan rộng thêm. Thiệt hại về tài sản và công sức ấy, khó đong đếm được, ai sẽ là người gánh chịu, khắc phục?

Đối tượng Nguyễn Văn Móm tại nơi điều trị

Ông Phạm Thanh Sang (sinh năm 1968, ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) bức xúc: “Bản thân tôi là tài xế, hàng ngày đi chở hàng ở nhiều nơi theo yêu cầu chủ xe. Nghề mưu sinh này không thể nào ở yên một chỗ, do đó sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Ý thức được chuyện đó, ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và không tụ tập đông người, tài xế đi tới đâu khai báo y tế đúng lịch trình là được.

Nhưng tôi biết, để đi lại nhanh chóng, thuận tiện, không mất thời gian test COVID-19, nhiều người đã khai báo không trung thực, “né” nhắc đến những vùng có dịch bản thân đã đi qua. Có khi họ chủ quan, nghĩ rằng mình không mắc bệnh, khai báo thế nào cũng được. Không ngờ, họ đã mang mầm bệnh trong người rồi đi "gieo rắc" khắp nơi, ảnh hưởng cả cộng đồng. Tôi đề nghị xử lý thật nghiêm những trường hợp tương tự”.

Dịch bệnh “không phải trò đùa”

Từ lúc dịch bệnh xảy ra, trong cả nước có nhiều trường hợp bị khởi tố, xử phạt về hành vi lây lan dịch bệnh. Khi thực hiện các hành vi vi phạm, đối tượng không lường trước (hoặc bất chấp) hậu quả có thể xảy đến cho chính bản thân mình lẫn mọi người.

Cụ thể, đối với người có hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm không khai báo y tế theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 117/2020, ngày 28-9-2020 có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi, như: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Nếu hành vi trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng có thể bị truy tố hình sự theo quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự ngày 27-11-2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.

Điển hình, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 (đã được thông báo cách ly) bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” khi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như: làm lây lan dịch bệnh cho từ 2 người trở lên, làm chết người...).

Hình phạt chính, gồm: phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng (chưa làm lây lan dịch bệnh). Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có thể thấy, hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác là một trong những hành vi rất nguy hiểm cho cộng đồng, sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định hiện hành. Chính vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi hành động, đừng để bị trả giá đắt vì nông nổi, chủ quan, xem nhẹ hậu quả.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG