Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTTXVN)
Nguồn cung hạn chế
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, các doanh nghiệp đã xuất khẩu trên 5,7 triệu tấn gạo, vượt xa kế hoạch đề ra.
Hợp đồng đăng ký xuất khẩu tính đến cuối năm 2017 đạt gần 6,4 triệu tấn gạo nên hiện vẫn còn khoảng 630.000 tấn gạo đã đăng ký xuất khẩu được chuyển sang năm nay. Đây là một trong những yếu tố tạo đà cho xuất khẩu gạo sôi động trong đầu năm nay.
Mặt khác, cân đối lượng tồn kho và hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo cho thấy lượng gạo tồn kho hiện còn khá ít, chỉ còn trên 100.000 tấn. Trong khi đó, vụ Đông Xuân 2018 chưa vào thời kỳ thu hoạch rộ khiến nguồn cung gạo trong nước không nhiều. Đây cũng là lý do mà trong đợt đấu thầu gạo của Indonesia vừa qua, Việt Nam chỉ tham gia bỏ thầu và trúng thầu 141.000 tấn gạo.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) - một trong hai doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia đợt này cho biết, ngay đầu năm nay, Indonesia đột ngột thông báo mở thầu 500.000 tấn gạo và yêu cầu phải giao hàng ngay trong tháng Hai này.
Do thời gian giao hàng gấp kèm theo lượng tồn kho còn khá hạn chế nên Việt Nam chỉ có hai doanh nghiệp là Vinafood 1 và Vinafood 2 tham gia đấu thầu.
Theo ông Nam, kết quả mở thầu có 8/11 doanh nghiệp của bốn nước là Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Paskistan trúng thầu, nhưng với số lượng bỏ thầu khá ít, tổng cộng 346.000 tấn; trong đó, hai doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu 141.000 tấn. Kết quả trên cho thấy, nguồn tồn kho gối đầu của các nước xuất khẩu gạo hiện cũng không có nhiều.
Trên thực tế, Thái Lan đã “thanh toán” xong lượng gạo dự trữ "khổng lồ," hiện Thái Lan chủ yếu là gạo chất lượng cao, nhưng vụ mùa vừa rồi năng suất giảm.
Ấn Độ trong năm 2017 đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng dường như cũng đã “vét” hết gạo để xuất khẩu nên lượng gạo gối đầu sang năm nay cũng không nhiều.
Trước nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới dự báo sẽ tăng cao trong năm nay và Trung Quốc vẫn là nước có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn nhất.
Kế đó là Indonesia sau hai năm hầu như không nhập khẩu gạo nay đã bắt đầu nhập khẩu trở lại; Philippines cũng được dự báo sẽ tăng số lượng nhập khẩu gạo trong năm nay…
Điều này cho thấy thị trường thương mại gạo có dấu hiệu khởi sắc ngay trong đầu năm nay, tạo thuận lợi cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho thấy, một số thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà… sẽ tăng nhập khẩu gạo trong năm nay.
Cũng theo dự báo của USDA, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong năm nay tiếp tục là Ấn Độ và Thái Lan.
Riêng Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu năm nay có thể tăng thêm 400.000 tấn so với năm 2017, đạt trên 6 triệu tấn. Gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Phillippines.
Không lo tạm trữ lúa gạo
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Một vừa qua đạt 524.000 tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng mạnh 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước đó.
Đáng chú ý, sau khi Việt Nam trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia, giá gạo trong nước và xuất khẩu có xu hướng tăng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Vinafood 2 nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam và Thái Lan cùng đấu thầu gạo mà Việt Nam lại trúng thầu với giá cao hơn.
Cụ thể, Vinafood 2 đã trúng thầu với mức giá 475 USD/tấn (giá CIF) và là mức giá cao nhất trong đợt đấu thầu này, trong khi Thái Lan chỉ ở mức 471-473 USD/tấn.
Kết quả này cũng khiến giá gạo trong nước và xuất khẩu tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Giá gạo 5% tấm đã tăng khoảng 35-40 USD/tấn, từ mức 405-410 USD/tấn trong tháng 12/2017 lên 440-450 USD/tấn từ cuối tháng Một vừa qua đến nay.
Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực-thực phẩm Long An, giá gạo nếp cũng có xu hướng tăng trong tháng đầu năm nay, lên mức 520-530 USD/tấn, tăng tới 50 USD/tấn so với cuối năm 2017.
Hiện thị trường nhập khẩu nếp của Việt Nam không chỉ có riêng Trung Quốc mà còn có sự tham gia của các doanh nghiệp Indonesia và Philippines. Điều này góp phần giảm rủi ro trong vấn đề xuất khẩu gạo nếp do ít lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi xuất khẩu nếp trong năm 2017 lên đến trên 1,4 triệu tấn.
Theo dự đoán của các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước sẽ có xu hướng giảm trong tháng Hai này khi vụ Đông Xuân bắt đầu thu hoạch rộ. Tuy vậy, giá lúa gạo vẫn sẽ ở mức cao so với những năm trước đó.
Với tình hình nhu cầu thị trường và giá gạo nội địa hiện nay, các dự báo cũng cho thấy vụ Đông Xuân 2017-2018 sẽ là năm thứ ba liên tiếp không phải thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo.
Số liệu của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thấy, tính đến đầu tháng Hai này, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân với diện tích khoảng 160.000ha trong tổng 1.550ha diện tích lúa đã xuống giống.
Dự kiến, cuối tháng Hai này, đầu tháng Ba tới sẽ bắt đầu vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân
Theo TTXVN