Các Tập đoàn quốc tế hãy đặt nhiều niềm tin hơn vào DN Việt

13/09/2018 - 19:11

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VN – VBS 2018 diễn ra chiều 13-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các tập đoàn quốc tế tạo điều kiện để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào DN Việt

Theo Thủ tướng, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF) đã rất thành công, tạo nên hình ảnh đẹp trong cộng đồng quốc tế về sự hợp tác hiệu quả giữa Diễn đàn kinh tế thế giới và Việt Nam cũng như các nước ASEAN.

“Đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và sáng tạo để tạo ra sự hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi và lan tỏa của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt là chúng ta định hướng cho tương lai phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – VBS 2018.

Thủ tướng cho biết, đã có 60 chuyên đề tại WEF với hàng nghìn người tham dự, 8.000 tin bài về Hội nghị trên các mạng toàn cầu, 6,7 triệu người theo dõi trên facebook, đây là kết quả lớn nhất đạt được. Kết quả đó và tiếp theo Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh lần này là cơ hội để biến những chủ trương, đường lối chính sách đi vào thực tiễn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại đang đe dọa các thể chế thương mại song phương lẫn đa phương. Tuy nhiên, Việt Nam luôn nhất quán đề cao lợi ích của thương mại tự do, toàn cầu hóa. Đây là xu hướng chính để phát triển và Việt Nam đang đi theo hướng này.

Thủ tướng Chính phủ không đề cập đến những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được, thay vào đó, Thủ tướng nhắc đến thực trạng mà Việt Nam chưa đạt được.

Đó là Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng xét về độ sâu thì còn nhiều việc phải làm khi tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới chưa tương xứng với tiềm năng.

“Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra thành công của Việt Nam nhưng nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia những khâu đơn giản, giá trị gia tăng không cao và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp FDI mua các nhà sản xuất trong nước chưa đến 7% giá trị đầu vào. Phần còn lại là mua của các nhà đầu tư khác hoặc nhập khẩu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng tôi xác định doanh nghiệp Việt Nam phải tự nâng cấp mình, theo đuổi các giá trị và tầm nhìn dài hạn. Chính phủ Việt Nam cam kết đóng vai trò kiến tạo, phát triển, đồng hành cùng các bạn”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các tập đoàn quốc tế tạo điều kiện để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào DN Việt Nam.

Theo Thủ tướng, môi trường chính trị ổn định, hòa bình hữu nghị là không khí lan tỏa trên đất nước Việt Nam; kinh tế tăng trưởng liên tục trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi; lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ, cần cù,… là những thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – VBS 2018

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende cho rằng Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế tuyệt vời, sự thành công của Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc. GDP 2018 dự báo khoảng 7%, trong 2 năm qua giá trị của TTCK tăng gần gấp đôi, lạm phát ở mức thấp và ổn định, thương mại phát triển rất nhanh, FDI tăng lên, quan trọng hơn tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh từ khoảng 50% vào năm 1990 xuống chỉ con 3% vào thời điểm hiện tại.

“Trong phiên bế mạc của WEF 2018, tôi đã đặt ra câu hỏi là bài học nào cho các quốc gia khác khi Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng có thể đẩy lùi đói nghèo với những chính sách phù hợp. Bản thân Việt Nam không ngủ quên trong chiến thắng và không tự mãn, hơn thế nữa còn tiếp tục cải cách để đảm bảo có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai”, ông Borge Brende bày tỏ sự ấn tượng với những thành tựu về kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo Infonet