IMF, WB kêu gọi các nước thành viên chấm dứt các cuộc chiến thương mại

19/10/2019 - 20:34

Các nhà lãnh đạo IMF và WB cảnh báo các cuộc chiến thương mại giữa các nước thành viên đang đe dọa làm trầm trọng thêm tác động từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Hàng hóa tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 18-10 đã kêu gọi 189 nước thành viên giải quyết những bất đồng đang gia tăng về thương mại và các vấn đề khác, cảnh báo rằng những bất đồng này đe dọa làm trầm trọng thêm tác động từ sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Phát biểu trước giới chức tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva đã chỉ ra tác động từ nhiều yếu tố như cuộc chiến thương mại đang nhấn chìm hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc; tình trạng kinh tế suy yếu lan rộng trên khắp châu Âu liên quan việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, và những cẳng thẳng gia tăng tại Trung Đông.

Bà Kristalina Georgieva cho rằng những căng thẳng thương mại đang gây tổn hại đối với lòng tin doanh nghiệp và đầu tư.

Theo bà, thế giới đang trong giai đoạn giảm tốc, với gần 90% các nền kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng yếu hơn trong năm nay.

Bà Georgieva nhận định thỏa thuận thương mại một phần mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được sẽ giảm bớt chút ít các thiệt hại do xung đột thương mại của hai nước song tăng trưởng ổn định của kinh tế toàn cầu sẽ không trở lại chừng nào hai nước còn chưa hóa giải được hoàn toàn bất đồng.

Trong khi đó, Chủ tịch WB - ông David Malpass, cho rằng sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu cản trở những nỗ lực nhằm hỗ trợ 700 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong điều kiện vô cùng nghèo khó, đặc biệt là ở những quốc gia phải đối phó với dòng người trốn chạy khỏi các cuộc xung đột trong khu vực.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 cũng nhấn mạnh đến sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ mạnh hơn trong năm tới nếu các rủi ro không gia tăng.

Trong phát biểu với báo giới sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 diễn ra trong hai ngày 17 đến 18-10, ông Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản - nước giữ chức Chủ tịch G20 trong năm nay - cho biết giới chức tài chính nhìn chung nhất trí rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ vẫn yếu và những rủi ro vẫn là từ các căng thẳng thương mại và địa chính trị.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Trung Quốc có thể là bên thắng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Liên quan đế căng thẳng Mỹ-EU về việc Washington áp thuế trừng phạt châu Âu vì trợ cấp cho Airbus, ông Le Maire khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đàm phán về một giải pháp để tránh các biện pháp đánh thuế trả đũa, tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn bác bỏ các nỗ lực đó.

Trong tuần này, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu sẽ chỉ đạt 3% trong năm nay, mức thấp nhất trong một thập niên.

Theo THANH PHONG (TTXVN/Vietnam+)