Lúa trúng mùa, cá tra trúng giá

12/03/2018 - 07:52

 - Đây là tín hiệu vui đầu năm 2018 của ngành nông nghiệp (NN) và nông dân (ND) trong tỉnh đang rất phấn khởi.

Phấn khởi

Vụ đông xuân này, gia đình ông Trần Văn Hòa (xã Long An, TX. Tân Châu) rất vui vì lúa được mùa lẫn trúng giá. Năm nay, gia đình ông Hòa trồng 3ha lúa OM 6976, lúa sắp thu hoạch nhưng nhiều thương lái đã đến đặt cọc với giá 6.500 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, ông Hòa lãi trên mỗi ký lúa thấp nhất là 2.000 đồng. “Vụ đông xuân này, ND gặt hái được thắng lợi trên cả 2 phương diện đó là năng suất và giá cả. Trong 3 năm trở lại đây, chưa có năm nào giá lúa cao như vậy, tạo được tâm lý, hưng phấn cho ND. Với giá lúa này, người làm NN sống được với nghề, không phải đi đến các tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai để làm thuê như những năm trước. Lúa có giá, hàng hóa ở chợ quê bán rất chạy, tiểu thương cũng vui lây…” - ông Hòa chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Không chỉ có ông Hòa, ND trên cánh đồng Bắc Vĩnh An thuộc các xã: Long An, Lê Chánh, Phú Vĩnh (TX. Tân Châu) đều phấn khởi vì lúa được mùa lẫn trúng giá. Có được kết quả trên là do ngành NN đã định hướng cho ND không ngừng nâng cao kỹ thuật sản xuất như: áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, tuân thủ lịch xuống giống và các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh tổng hợp. Bên cạnh đó, ngành NN thị xã đã áp dụng nghiêm ngặt phương án xả lũ “3 năm, 8 vụ”. Đồng ruộng được bồi đắp nhiều phù sa, từ đó lúa và hoa màu đều đạt năng suất cao. “Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện. Cụ thể, đó là mạng lưới giao thông nội đồng được khôi phục, điều này giúp cho việc vận chuyển hàng nông sản được thuận lợi, từ đó giá bán cao hơn những vùng khác…” - bà Nguyễn Thị Lan (xã Phú Vĩnh) chia sẻ.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 234.832ha với các giống lúa chất lượng cao như: OM 6976, OM 5451, OM 2517… ND trong tỉnh đã xuống giống đồng loạt, đáp ứng được lịch thời vụ của ngành NN, từ đó giảm được thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Chi phí sản xuất được hạ thấp nên lợi nhuận nâng lên. Ngoài các hộ trồng lúa, hộ nuôi cá tra, các loại cá bán chợ cũng rất phấn chấn vì so với những năm trước, năm nay giá cá đang ở mức cao. Cụ thể, cá tra thịt loại 1, các doanh nghiệp chế biến thu mua từ 28.500-30.000 đồng/kg (tùy phương thức thanh toán). Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi thấp nhất 5.000 đồng/kg.

Căn cơ

“Cá tra thịt có giá, kéo theo các loại cá chợ khác cũng có giá. Cụ thể, cá thác lác cườm thương lái đến tận nơi mua từ 72.000-75.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi thấp nhất 12.000 đồng/kg. ND rất vui nhưng kèm theo đó là nỗi lo: giá tăng cao sẽ kéo dài được bao lâu; giá cả thất thường như thế này có bao nhiêu người nuôi có lãi? ND mong chờ Nhà nước cũng như ngành NN đưa ra những biện pháp sản xuất mang tính căn cơ để giá nông sản cả năm đều tốt, ND sản xuất có lời, người mua cá, lúa gạo chế biến có lời. Như vậy thì sản xuất mới phát triển mang tính bền vững…” - ông Phan Văn Toản (xã Hòa Lạc, Phú Tân) chia sẻ.

Ngoài lúa, những hộ nuôi cá tra giống, cá tra thịt rất phấn khởi vì giá cá tra đang ở mức cao

Những năm qua, để nông sản tiêu thụ được thuận lợi, ngành NN đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tái cơ cấu ngành NN gắn với tổ chức lại sản xuất. Mục đích của việc làm này là để cung - cầu gặp nhau. Đi cùng với đó là vận động ND đi vào con đường làm ăn hợp tác, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật để hạ giá thành, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngành công thương cùng doanh nghiệp đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng như: lúa, cá, rau quả; vận động doanh nghiệp cùng ND tổ chức lại sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”… Tuy nhiên, do cách làm chưa “đến nơi, đến chốn” nên nhận thức của ND và doanh nghiệp chưa gặp nhau. Cụ thể, trong thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” đối với lúa hay “Chuỗi liên kết” đối với cá tra, tuy 2 bên đã ký hợp đồng kinh tế nhưng khi giá lúa, cá tra dao động tăng hoặc giảm thì ngay lập tức, việc “bội tín” đã xảy ra. Trong nhiều năm liền việc doanh nghiệp và ND “lật kèo” lẫn nhau xảy ra rất thường xuyên. Để ND lẫn doanh nghiệp gặp nhau, cùng phát triển thì cần xem xét lại tính chất hợp đồng và các điều khoản đã thỏa thuận. Đồng thời, phân tích cho được vì sao hợp đồng đã ký mà việc “lật kèo” vẫn cứ xảy ra.

“Ngoài lúa, những hộ trồng nếp năm nay rất phấn khởi vì giá nếp đang ở mức cao. Cụ thể, giá nếp CK92 được thương lái mua tại ruộng từ 5.900-6.100 đồng/kg. Nếp có giá là do thương nhân Trung Quốc mua nhiều. Tuy nhiên cũng có năm, xuất khẩu nếp sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, vì vậy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu lúa, nếp lẫn cá tra là một trong những việc cần làm để tránh rủi ro trong xuất khẩu, qua đó giúp ND an tâm sản xuất” - ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh (Phú Tân) kiến nghị.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN