“Cánh đồng lớn” trong VnSAT

30/04/2020 - 03:47

 - Cùng với nâng cao hiệu quả canh tác, chất lượng hạt lúa trong vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (VnSAT An Giang) cũng được nâng lên. Kết quả đó đã góp phần thu hút 26 doanh nghiệp (DN) tham gia ký hợp đồng tiêu thụ lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” với diện tích hơn 3.200ha/vụ trong vùng dự án. Việc phát triển “Cánh đồng lớn” và hình thành liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân và DN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp An Giang phát triển bền vững.

Nông dân hưởng lợi

Dự án VnSAT An Giang được triển khai trên diện tích 38.600ha, có hơn 26.000 hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án. Địa bàn thực hiện dự án VnSAT gồm 45 xã thuộc 5 huyện: An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và Tri Tôn. Nguồn vốn từ dự án VnSAT là một trong các nguồn lực để ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Sau 4 năm triển khai, dự án đã xây dựng thành công liên kết chuỗi giá trị lúa, gạo với quy mô hơn 3.000ha. Qua tham gia dự án, nông dân được tiếp cận các giải pháp canh tác tiên tiến, xây dựng vùng nguyên liệu đồng nhất về chất và lượng, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản với các DN kinh doanh lúa, gạo.

Đối với “Cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa, được tỉnh và các địa phương tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng ruộng, giúp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến đồng bộ, cơ giới hóa các khâu gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, chế biến, tồn trữ, đóng gói và tiêu thụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang, đến cuối năm 2019, diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” là 15.000ha, áp dụng “1 phải, 5 giảm” là 13.700ha, đạt tiến độ thực hiện mục tiêu dự án. Việc áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến trên quy mô “Cánh đồng lớn” đã giúp giảm đáng kể lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó, lợi nhuận của bà con trồng lúa tăng 21,5% so với ngoài vùng dự án.

“Cánh đồng lớn” trong VnSAT

Mô hình lúa áp dụng quy trình canh tác “1 phải, 5 giảm”. Ảnh: N.C

Đầu ra nông sản ổn định

Theo chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hợp tác xã trong vùng dự án VnSAT đều phụ trách địa bàn ít nhất 500ha, nâng cao năng lực và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng ruộng để phát triển lên “Cánh đồng lớn”. Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang Đoàn Ngọc Phả cho biết, thời gian qua, dự án đã kết nối, hỗ trợ nhiều DN tới liên kết sản xuất tại nhiều địa phương trong vùng dự án.

Vụ thu đông 2019, toàn vùng dự án VnSAT có 26 DN tham gia ký hợp đồng liên kêt tiêu thụ lúa, gạo với diện tích hơn 3.200ha, trong đó có nhiều DN liên kết chặt chẽ với hợp tác xã, tổ hợp tác như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco… Các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa đều được DN ứng trước bằng tiền hoặc vật tư đầu vào nên tỷ lệ thực hiện khá cao.

Để liên kết hiệu quả và bền vững, dự án VnSAT hỗ trợ 2 đối tượng chính là nông dân, tổ chức nông dân và các DN chế biến xuất khẩu lúa, gạo. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, trang thiết bị của dự án sẽ hình thành những tổ chức nông dân mạnh tạo ra được sản phẩm lúa, gạo chất lượng.

Tính đến hết năm 2019, Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” cho 22.000 lượt nông dân thông qua 600 lớp đào tạo tập huấn với diện tích tương ứng 27.500ha, đồng thời thực hiện 100 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Dự án đã chọn 12 tổ chức nông dân có mức áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt trên 50% để hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị với 12 tiểu dự án có tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh An Giang từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; sản xuất an toàn, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị và tiến đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Liên kết xây dựng các “Cánh đồng lớn” và vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với hợp đồng tiêu thụ của DN đang là hướng đi hiệu quả. Cách làm này không chỉ giúp nông dân nâng cao lợi nhuận mà DN cũng được hưởng lợi nhờ có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo các loại gạo chất lượng cao xuất khẩu...

LÊ HOÀNG VIỆT (Ban Quản lý Dự án VnSAT An Giang)

Mục tiêu của dự án VnSAT An Giang là đến năm 2020, 17.000ha vùng dự án áp dụng thành công các gói kỹ thuật canh tác bền vững, tăng thu nhập từ trồng lúa cho người nông dân lên từ 20 - 30%.