“Mặt ruộng không dấu chân” - mô hình canh tác lúa an toàn

22/02/2022 - 04:36

Mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được nông dân Nguyễn Phi Sơn Hổ (xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) triển khai trên diện tích 24ha. Mô hình sử dụng hoàn toàn bằng thiết bị bay không người lái (Drone) trong quá trình canh tác, giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, từ đó giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống.

Những năm qua, việc cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp được nông dân ở nhiều địa phương áp dụng. Trong đó, việc sử dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất là bước tiến quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” của nông dân Nguyễn Phi Sơn Hổ (xã Tây Phú) là một trong những điển hình.

Mô hình được triển khai trên diện tích 24ha, sử dụng giống lúa Jasmine, thời gian sinh trưởng khoảng 110 ngày, sản lượng ước tính 8-12 tấn/ha. Áp dụng mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”, ông Hổ được kỹ thuật viên Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ toàn bộ quy trình sản xuất và hướng dẫn xuyên suốt quá trình canh tác.

Ngoài ra, ông Hổ còn được hỗ trợ nguyên liệu sản xuất từ giống đến phân bón để đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình của tập đoàn. Toàn bộ quy trình canh tác, từ xuống giống, phun thuốc, bón phân... đều sử dụng hoàn toàn bằng máy bay không người lái.

Tham quan mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” của ông Nguyễn Phi Sơn Hổ

Theo ông Hổ, đối với phương pháp canh tác truyền thống, trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng ngừa, điều trị sâu hại, dịch bệnh, nông dân phải mang những bình phun thuốc nặng và cồng kềnh trên lưng. Việc này mất nhiều thời gian, công sức. Với thiết bị bay không người lái thì khác. Chỉ cần một người điều khiển là có thể phun thuốc trên một diện tích lớn, thời gian phun nhanh hơn, công lao động bỏ ra hầu như không đáng kể.

Ngoài ra, với việc sử dụng Drone, nông dân sẽ tiết kiệm được tài nguyên nước. Trong quá trình phun thuốc, nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nên an toàn cho sức khỏe. Điều này hoàn toàn phù hợp chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP mà Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện.

Ông Hổ cho biết, tham gia mô hình này, ông được phía Tập đoàn Lộc Trời cam kết mức lợi nhuận tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm và được bao tiêu đầu ra. “Tham gia mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”, nông dân không bỏ nhiều công chăm sóc. Toàn bộ quá trình canh tác đều ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đặc biệt là hoạt động phun thuốc bằng máy bay không người lái được kỹ thuật viên của Tập đoàn Lộc Trời thực hiện. Khi nông dân tham gia một số công việc, như: Thăm đồng, bơm nước tưới, tiêu... đều được trả công lao động theo giá hiện hành” - ông Hổ chia sẻ.

Mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” là mô hình Lộc Trời 123 có cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng 30%, lượng phân bón và thuốc BVTV sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa. Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng. Bà con được Tập đoàn Lộc Trời bảo đảm năng suất và bao lợi nhuận ngay từ đầu vụ nên yên tâm sản xuất.

Đặc biệt, nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng nông sản đầu ra được đảm bảo, qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân, đồng thời góp phần phát triển nền nông nghiệp địa phương.

Việc phát triển mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” là một trong những hoạt động nhằm thực hiện “Chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học” giai đoạn 2021-2025, do Tập đoàn Lộc Trời ký kết với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Các hoạt động nằm trong khuôn khổ cam kết này bao gồm việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của bà con nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả; tổ chức các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả đảm bảo giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV xuống đồng ruộng; thực hiện các hoạt động “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”…

Với việc ứng dụng cơ giới hóa khép kín và thiết bị bay không người lái trong các khâu gieo giống, rải phân bón, phun thuốc BVTV khi sản xuất lúa, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Đồng thời, từng bước giúp ngành nông nghiệp số hóa; giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động ở nông thôn như hiện nay...

ĐỨC TOÀN