“Vua” quýt hồng trên núi Cấm

05/01/2024 - 06:12

 - Tận dụng triền núi khô cằn, nhà vườn trên núi Cấm (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) trồng quýt hồng oằn trái, chờ bán trong dịp Tết. Có người sở hữu hàng chục công quýt, nổi tiếng khắp vùng.

“Biến sỏi đá thành cơm”

Vượt hàng ngàn dốc đá cheo leo, chúng tôi đi tìm nhà vườn trồng quýt trên Thiên Cấm Sơn. Mùa này, khí hậu se se lạnh báo hiệu vụ làm ăn thuận lợi của bà con nơi đây. Men theo con suối Thanh Long, sau nhiều phút đi lạc, chúng tôi đến được vườn quýt hồng của anh Trần Văn Thảo.

Khí hậu nơi đây mát mẻ quanh năm, vườn quýt lại nằm ở lưng chừng núi, hứng sương mù lãng đãng, nên trái rất sai và vị ngọt hơn so với quýt trồng ở đồng bằng. Có được thành quả như hôm nay, vợ chồng anh phải đổ biết bao giọt mồ hôi xuống từng gốc quýt, tạo nên vị ngọt cho đời. Hồi đó, gia đình anh nằm dưới chân núi Cấm, sống chủ yếu bằng nghề bán đá bào si-rô, mỗi ngày kiếm lời khoảng 100.000 đồng.

“Ngoài ra, ba tôi còn đi cưa cây mướn. Tích cóp được mớ vốn, ba lên vồ Bà Cửu sang lại 6 công đất rừng. Sau đó, ông tiếp tục khai khẩn, dần dà tạo lập thêm 5ha đất đồi núi. Sau này, vợ chồng tôi mua thêm 1ha đất núi nữa”.

Năm nay, ông Trần Văn Tùng (cha anh Thảo) bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe yếu dần, nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng. Bằng sức người, vợ chồng ông bắt đất phục người, biến “nơi sỏi đá thành cơm”. Năm 1980, cây sặc (họ sậy) mọc um tùm, ông Tùng lên đây sang đất, phát hoang trồng cây ăn trái, ai nấy cũng cho rằng làm chuyện dại dột.

Vì ở cái nơi “chim kêu, vượn hú” này, ít người đặt chân đến, thú rừng nhiều vô kể. “Rớt mồ hôi chú ơi! Những đêm sáng trăng, tôi ra vườn, cuốc dọn đá đến tận nửa đêm, rồi mới vào nghỉ. Dọn đá xong, đem cây chuối, mãng cầu ta trồng thì bị heo rừng kéo bầy đến ủi, quật tung lên. Nhưng quan trọng nhất trên đỉnh núi này là nước tưới. Mùa khô, nếu để thiếu nước thì cây cối chết rạp, chẳng hiệu quả” - ông Tùng nhớ lại.

Bén duyên với cây quýt

Năm đó, buồn tình vì khai khẩn đất cực khổ mà còn bị thất bại, vợ chồng ông Tùng bàn bạc bán vườn lấy tiền ngược lên Tây Nguyên lập nghiệp. Lúc ra sau vườn dọn cỏ, ông Tùng thấy 5 cây quýt hồng trổ sai bông. Thế là, ông không định bán vườn, mà nảy ra ý định chiết cành nhân giống trồng trên mảnh đất núi này.

“Mấy cây quýt do vợ tôi gieo. Trong một lần đi chợ mua trái cây cúng đất đai, mọi người ăn xong bỏ hạt, bả lấy lại trồng. Không ngờ loại cây có múi này chịu khí hậu trên đây, trổ bông dày đặc” - ông Tùng cười khục khặc. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng quýt rất khó, ông phải dạm hỏi nhà vườn khắp các tỉnh, như: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang… về áp dụng. Những năm đầu, da quýt bị nám đen, ít ai mua. Sau đó, ông được kỹ sư chỉ dẫn kỹ thuật trồng quýt, nên trúng dần qua các năm.

Ở vồ Bà Cửu, vồ Pháo Binh, điện Cửu Phẩm, điện Chư Thần, người dân lập vườn ăn trái rất nhiều. Anh Thảo khoe: “Ở vùng cao, nhưng năm nào ông trời cũng ban tặng những cơn mưa già nặng hạt tưới mát vườn quýt, giúp cho trái vào đúng dịp Tết. Khu vực vồ Bà Cửu có một loại đất mát lạnh, thích hợp cho việc trồng quýt quanh năm. Năm rồi, tôi xây thêm cái bể sức chứa trên 100m3 nước, đủ tưới quanh năm”. Vụ quýt ấy, anh Thảo thu hoạch gần 20 tấn, thương lái cân tại vườn giá 43.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bỏ túi tròm trèm 300 triệu đồng.

Riêng vụ quýt năm nay, anh Thảo dự đoán cho năng suất xấp xỉ năm ngoái. Hổm rày, mấy tiểu thương “chốt” giá 40.000 đồng/kg mà anh chưa chịu bán. “Quýt trái màu vàng đẹp, bà con chưng Tết “hết ý”. Tiểu thương bên Đồng Tháp điện hỏi rần rần, tôi đợi giá nhóng lên chút đỉnh sẽ hái quýt bán phục vụ Tết” - anh Thảo bộc bạch. Thông thường, khoảng 25 tháng Chạp, vườn quýt bắt đầu thu hoạch, kéo dài đến 28 Tết là dứt vụ. Ăn Tết xong, anh tiếp tục ra vườn tỉa cành, để quýt đâm chồi, nảy lộc, chuẩn bị mùa vụ mới.

Chuyện làm vườn của bà con trên núi Cấm xoay vòng quanh năm không ngơi nghỉ. Họ cần mẫn biến nơi cằn cỗi, tạo ra giá trị huê lợi cao hàng năm. Tuy nhiên, điều ngán ngại nhất của bà con hiện nay là phân, thuốc bảo vệ thực vật cứ rục rịch tăng, làm đội chi phí sản xuất. “Mỗi lần nghe giá trái cây, nông sản tăng thì vật tư tăng theo. Cứ như vậy, nhà vườn luôn thiệt thòi. Nếu không chí thú làm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác thì sẽ thất mùa” - anh Thảo trần tình.

Dạo quanh vườn quýt 60 công của anh Thảo, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước gam màu xanh, vàng lẫn lộn. Vào sâu bên trong, chúng tôi bị chìm đắm trong “rừng” quýt, ngó lên gặp quýt, trông xuống vực cũng gặp quýt, đâu đâu cũng gặp quýt. “Thực sự, tôi không nghĩ trên núi người dân trồng được quýt sai trái như vầy” - anh Toàn (du khách ở TP. Hồ Chí Minh) trầm trồ.

Cũng ở núi Cấm, vườn quýt của anh Hạnh đang cho trái oằn cây. Vườn nằm lọt thỏm dưới thung lũng. Từ trên đồi nhìn xuống, vườn quýt trải dài xanh mướt mắt. Anh Hạnh trồng quýt khoảng 10 công, hơn 5 năm nay, năng suất hàng chục tấn trái mỗi vụ. Anh thu nhập ngót nghét 300 triệu đồng trong dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Quanh năm, thiên nhiên hào phóng ban tặng cho núi Cấm điều kiện khí hậu mát rượi. Tận dụng lợi thế này, sơn dân khai khẩn, lập vườn trồng quýt thành công, trở thành loại trái cây đặc hữu ở chốn non cao.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Trịnh Văn Đệ rất đỗi tự hào khi địa phương có ngọn núi Cấm cao nhất trong dãy Thất Sơn, vừa phát triển du lịch, vừa lập vườn trồng cây ăn trái, mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay, 29 hộ chuyên canh cây quýt, tổng diện tích 30,4ha. Cận Tết Nguyên đán, bà con trên núi thu hoạch quýt, vận chuyển xuống núi cân cho tiểu thương rôm rả, tạo nét đặc trưng riêng.

LƯU MỸ