45 năm chí nghĩa, chí tình

05/01/2024 - 06:17

 - 5 thập kỷ trước, tập đoàn Pol Pot Ieng Sary lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền... Đối với Việt Nam, chỉ trong 2 năm (1975 - 1977), chúng gây ra những tội ác đẫm máu, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Lực lượng vũ trang 2 nước thường xuyên thăm hỏi, tặng quà nhau

“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”

Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận. Mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia. Song, Pol Pot Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta, mà còn đẩy mạnh chống phá, ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot tiến công trên toàn tuyến biên giới An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.

Đã có rất nhiều mất mát, tang thương trong 2 giai đoạn của cuộc chiến. Giai đoạn 1 (từ ngày 30/4/1977 đến ngày 5/1/1978), Pol Pot liên tiếp mở 3 cuộc tiến công quy mô lớn sang lãnh thổ Việt Nam. Giai đoạn 2 (từ ngày 6/1/1978 đến ngày 7/1/1979), đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ngày 7/1/1979, đánh dấu sự kiện thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng hoàn toàn.

Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng, cần thiết của Nhân dân Việt Nam, nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot Ieng Sari gây ra, chẳng đặng đừng nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Chiến thắng một lần nữa khẳng định: Ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của Nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đồng thời, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam giúp đỡ đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong. Đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Nguyên Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định: “Nếu không có ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử, không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

Nghĩa tình hòa bình

Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/11/2018, Phiên tòa Bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia (dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc) chính thức phán quyết các cựu thủ lĩnh của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. 45 năm đã trôi qua, phán quyết này trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát, một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia.

Cất lại quá khứ, ngần ấy năm, quan hệ Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố, phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Lãnh đạo cấp cao 2 nước duy trì chuyến thăm tiếp xúc, trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung, giữa các tỉnh biên giới nói riêng đạt được kết quả tích cực. Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt gần 8 tỷ USD (dự kiến cả năm 2023 đạt 9 tỷ USD). Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia, tổng vốn đăng ký đạt 2,9 tỷ USD, đứng đầu ASEAN; là một trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng được tăng cường, ngày càng thực chất hiệu quả, là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, cơ quan chính quyền và Nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp triển khai phân giới cắm mốc; tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục, đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông… được quan tâm đẩy mạnh. Mỗi năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia đang học tại Việt Nam. Số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia. Bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí như người Việt Nam.

Thời gian tới, dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chống lại sự bôi nhọ, vu khống, kích động, gây chia rẽ; không ngừng tăng cường hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.

AN KHANG