75 năm một niềm tin son sắt

06/01/2021 - 04:16

 - Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử: ngày 6-1-1946, toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945, nhưng để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị và các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn, đi vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 6-1-1946. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Sau ngày 6-1-1946, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “… kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

75 năm trôi qua, Quốc hội đã sắp kết thúc khóa XIV, vẫn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri, luôn luôn đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng Việt Nam.

Kinh nghiệm thực tiễn của Quốc hội khóa trước luôn là bài học quý cho việc củng cố, nâng cao Quốc hội khóa sau. Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và trong hoạt động đối ngoại.

Việc gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm bắt đầy đủ, thấu hiểu sâu sắc tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân, trân trọng lắng nghe, phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân là nhân tố quan trọng bảo đảm cho Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín, vai trò Quốc hội, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và củng cố niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang với các hoạt động chăm lo cho người dân

Trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm của Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh các khóa trước, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang (khóa XIV) tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp tổ chức lấy ý kiến đóng góp các dự án luật phù hợp với đặc điểm từng giai đoạn của địa phương. Trong hội nghị tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, khảo sát, ĐBQH đã lồng ghép những vấn đề dư luận xã hội quan tâm đối với dự án luật, áp dụng pháp luật và gợi ý nội dung để cử tri, đối tượng chịu sự giám sát, khảo sát bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với tư cách là chủ thể chịu sự tác động của quy phạm pháp luật…

Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chấp hành kỷ luật nghiêm túc, tích cực tham gia ý kiến phát biểu tại hội trường, thảo luận tổ và tranh luận, đã đóng góp, tham gia quyết định công tác xây dựng pháp luật tại các kỳ họp Quốc hội. ĐBQH chuyên trách Trung ương là những nhân tố tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; chủ động nghiên cứu tài liệu, nắm chắc nội dung, tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết trong việc tham gia đóng góp ý kiến bằng hình thức thảo luận, tranh luận, chất vấn tại hội trường; thảo luận tại tổ, tại đoàn.

Nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã đồng thuận và thường xuyên phối hợp hoàn thiện các vấn đề phát sinh. Có thể kể đến: Chính phủ đồng ý triển khai dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 và tuyến tránh qua TP. Long Xuyên, với tổng giá trị đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý triển khai dự án nâng cấp trung tâm giống cá tra chất lượng cao; dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất giống tập trung và dự án phòng, chống sạt lở bờ sông; Bộ Khoa học - Công nghệ đồng ý hỗ trợ dự án ứng dụng công nghệ mới của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia về phát triển tài sản trí tuệ; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đồng ý đẩy nhanh và hoàn thành thủ tục việc tiếp nhận Trường Đại học An Giang…

Những kết quả ấy càng khẳng định vai trò của Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tỉnh An Giang trong thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng được mong đợi của cử tri, khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín; xứng đáng là những người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân trong tỉnh.

GIA KHÁNH