An Giang bảo đảm năm học mới diễn ra an toàn

16/09/2021 - 05:12

 - Năm học mới bắt đầu lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong nước, trong tỉnh ghi nhận số ca mắc mới. Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) triển khai các giải pháp thích ứng, chuyển trạng thái hoạt động, vừa bảo đảm an toàn trường học, vừa khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng GD&ĐT.

Triển khai linh hoạt

Tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức các hoạt động đầu năm học bằng hình thức trực tuyến, bảo đảm an toàn, thiết thực; truyền tải thông điệp “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Dù khó khăn do dịch bệnh, tỉnh vẫn luôn quan tâm, xem giáo dục là quốc sách; chia sẻ, động viên học sinh, giáo viên vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

UBND tỉnh An Giang lưu ý, hoạt động giáo dục phải chuyển đổi linh hoạt theo các kịch bản dạy - học trong tình hình dịch bệnh. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, tùy mức độ, có thể tổ chức dạy học trực tuyến hoàn toàn hoặc kết hợp vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, đảm bảo giãn cách để hoàn thành kế hoạch năm học; truyền thụ nội dung kiến thức cốt lõi, bảo đảm chất lượng GD&ĐT, ưu tiên lớp đầu cấp và cuối cấp.

Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không thể tham gia học trực tuyến, giáo viên giao nhiệm vụ học tập hoặc gửi tài liệu cho các em. Sau khi hết giãn cách, nhà trường sẽ bổ sung kiến thức, phụ đạo cho các em còn hạn chế về điều kiện học trực tuyến… Đối với giáo dục mầm non, không áp dụng hình thức dạy học trực tuyến mà phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà.

Chiều 14-9, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nghị quyết, đề án, chính sách phát triển GD&ĐT và Chỉ thị 800/CT-BGDĐT ngày 24-8-2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp để hoàn thành “nhiệm vụ kép”: vừa thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành chương trình giáo dục năm học với phương châm “dừng đến trường, không dừng học”.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ, tuyển dụng giáo viên ở các môn học, cấp học còn thiếu theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày theo quy định, bảo đảm “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Huy động nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm chất lượng GD&ĐT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài…

Tiếp tục dạy học trực tuyến

Cũng trong ngày 14-9, Sở GD&ĐT An Giang triển khai cụ thể phương án dạy học từ ngày 15-9. Theo đó, khối lớp 9 và 12 tiếp tục dạy học trực tuyến theo chương trình, kế hoạch đã xây dựng đến hết ngày 26-9. Các khối lớp còn lại bắt đầu thực học từ ngày 20-9 theo hình thức trực tuyến. Tùy theo tình hình, mức độ kiểm soát dịch bệnh của địa phương, đồng thời căn cứ vào kịch bản dạy học (Kế hoạch 2408/KH-SGDĐT được UBND tỉnh phê duyệt) mà thủ trưởng cơ sở giáo dục điều chỉnh kịch bản tổ chức dạy học theo hướng: thực hiện song song 2 hình thức “vừa dạy trực tiếp tại trường, vừa dạy trực tuyến” trên cơ sở tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh. Riêng cấp học mầm non chỉ trở lại trường khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiệu trưởng các trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên lạc với cha mẹ học sinh, cung cấp thông tin cần thiết về kế hoạch tập trung học sinh, thời khóa biểu; tiếp nhận thông tin điều kiện học tập của học sinh, gửi tài liệu hướng dẫn tự học… Tiếp tục thăm dò, tham khảo ý kiến của phụ huynh về nhu cầu được đến trường học tập trực tiếp của học sinh khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát. Tiếp nhận phản hồi của phụ huynh, học sinh về công tác tiếp xúc, làm quen với phương pháp dạy và học mới.

Cùng với đó, khẩn trương triển khai phương án bổ sung thiết bị mạng Internet, nâng cấp đường truyền, bố trí phòng học trực tuyến đảm bảo điều kiện để giáo viên giảng dạy… Triển khai vận động hỗ trợ máy tính, phương tiện học tập cho học sinh theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Triển khai mua hộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập đối với học sinh gặp khó khăn do đang trong khu vực giãn cách, phong tỏa…

Giám đốc Sở GDĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm đề nghị: “Tất cả cán bộ quản lý, viên chức toàn ngành khẩn trương chuẩn bị điều kiện, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, lực lượng đồng hành với nhà trường và học tập kinh nghiệm các đơn vị bạn. Nhất là, cẩn trọng tính toán quyết định áp dụng biện pháp, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động quản lý - dạy, học trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe của học sinh và giáo viên, nhưng vẫn duy trì được mức độ “chấp nhận được” về hiệu quả dạy - học... Rất mong các thầy cô đồng lòng vượt khó, đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng thì cố gắng hơn nữa, nhận thêm phần vất vả về mình, tất cả vì học sinh thân yêu, để không em nào bị bỏ lại phía sau”.

 

HỮU HUYNH