An Giang chủ động ứng phó thiên tai nguy hiểm

03/08/2023 - 06:45

 - Dù chỉ mới qua ảnh hưởng hoàn lưu 2 cơn bão đầu mùa, tỉnh An Giang đã xuất hiện mưa lớn diện rộng, giông lốc nguy hiểm, gây thiệt hại nhà dân, ảnh hưởng lúa, hoa màu, sạt lở đất, đường giao thông… Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh yêu cầu tăng cường ứng phó.

Từ ngày 27 - 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kèm theo giông, lốc, làm 81 căn nhà bị sập và tốc mái; 4.790ha lúa và hoa màu bị ngập úng; trục lộ giao thông trên địa bàn huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, TX. Tịnh Biên, TP. Long Xuyên bị ảnh hưởng ngập nước.

Đài Khí tượng Thủy văn An Giang cho biết, lượng mưa ghi nhận trong 24 giờ ở các trạm rất cao. Trong đó, Cô Tô 68,7mm, Long Xuyên 64mm, Vĩnh Gia 60,2mm, Tri Tôn 58mm, An Thạnh Trung 57,3mm, trạm bơm 3/2 là 48,7mm, Núi Voi 33,4mm, Lò Gạch 33,2mm, Vọng Đông 27,8mm, Đào Hữu Cảnh 27,4mm… Dự báo, đợt mưa diện rộng trên khu vực tỉnh có khả năng kéo dài đến ngày 4/8/2023.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang chỉ đạo khắc phục hậu quả

Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm vừa ký Công văn 74/BCH-PCTT, gửi các thành viên ban chỉ huy cấp huyện, triển khai công tác ứng phó với mưa lớn, giông lốc và khắc phục thiệt hại trên địa bàn tỉnh. UBND huyện chỉ đạo ban, ngành, đơn vị, cấp xã tăng cường theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn về diễn biến mưa, giông, kịp thời ứng phó phù hợp.

Ngành chức năng thông tin cảnh báo về khả năng sạt lở đất, đá trên núi của  huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện cảnh báo, xử lý khi có tình huống xảy ra.

Những trường hợp phức tạp có thể tạm dừng lưu thông hoặc dừng lưu thông phương tiện giao thông ở tuyến đường giao thông phía hạ lưu khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi. Chi cục Kiểm lâm An Giang phối hợp chính quyền địa phương thông báo, cảnh báo hộ dân hạn chế lên núi, vào rừng trong và sau thời gian mưa lũ, do có nguy cơ xảy ra sạt lở.

UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do giông lốc vừa qua, khắc phục theo thứ tự ưu tiên: Không để người dân bị thiếu đói, khắc phục nhà ở bị thiệt hại, đảm bảo có điện, nước sinh hoạt và cuối cùng là hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp.

Mưa lớn kéo dài gây ngập đường giao thông ở huyện Tri Tôn

Các địa phương tiếp tục chủ động thực hiện biện pháp ứng phó thiên tai theo tinh thần nội dung Công văn 755/UBND-KTN, ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh; Công văn 781/UBND-KTN, ngày 30/6/2023 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ; Công văn 68/SNNPTNT-CCTL, ngày 11/1/2023 của Sở NN&PTNT về thực hiện tốt nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai; Công văn 23/BCH-PCTT, ngày 12/4/2023 của Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá; Công văn 62/BCH-PCTT, ngày 17/7/2023 của Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh về chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước trước, trong mùa mưa lũ.

Các sở, ngành, địa phương huy động nguồn lực gia cố, sửa chữa, củng cố tuyến đê bao, bờ bao, đường giao thông, cơ sở hạ tầng; cắm biển cảnh báo, xử lý sự cố sạt lở bờ sông, bờ kênh, rạch. Đồng thời, tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố sạt lở có thể xảy ra khi mưa rút; khai thông cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn, đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài.

UBND cấp huyện chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành, địa phương, phường, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; cắt tỉa cây xanh, cây to có nguy cơ đổ ngã; kiểm tra biển hiệu, pa-nô, biển quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý. Chủ động sẵn sàng máy bơm, trạm bơm để bơm tiêu chống úng khi có mưa lớn kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng.

Đối với thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình chính sách, cần đảm bảo tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), có liên kết neo mái với khung, liên kết neo khung với nền móng, hạn chế thiệt hại khi giông, lốc xảy ra.

 

NGÔ CHUẨN