An Giang chuẩn bị điều kiện tốt vụ đông xuân 2023 - 2024

27/10/2023 - 05:47

 - Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, với điều kiện canh tác thuận lợi, năng suất và chất lượng lúa đạt cao. Trong bối cảnh giá lúa gạo đang duy trì tốt, việc chuẩn bị chu đáo vụ đông xuân sẽ tạo đà thắng lợi cho ngành nông nghiệp trong năm 2024.

Né khô hạn, chia sẻ nguồn nước

Khi hiện tượng El-Nino kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024, dự báo mùa khô tới sẽ khắc nghiệt hơn, khả năng tạo ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ, thiếu nước tưới ở vùng cao.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, An Giang có kế hoạch xuống giống 248.945ha, gồm: 228.527ha lúa, 16.775ha màu và vụ mùa 3.643ha. Với năng suất lúa bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng vụ đông xuân dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, lớn nhất so các vụ còn lại trong năm 2024. Khung lịch thời vụ xuống giống được khuyến cáo bắt đầu từ ngày 1/11 - 31/12/2023 (18/9 - 19/11 âm lịch).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, đối với lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước, chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 xuống giống từ 1/11 - 15/11, tập trung ở những vùng tiểu vùng sản xuất 2 vụ hoặc ngưng sản xuất vụ thu đông 2023, diện tích khoảng 80.000ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ; đợt 2 xuống giống đại trà khoảng 120.000ha, từ 16/11 - 15/12; đợt 3 xuống giống từ 16 - 31/12 đối với diện tích còn lại.

Riêng lịch xuống giống né rầy, tập trung 2 đợt: Đợt 1 từ 15/11 - 26/11, diện tích khoảng 60.000ha; đợt 2 từ 11/12 - 25/12, diện tích khoảng 80.000ha; diện tích còn lại linh hoạt xuống giống theo thực tế địa phương.

Các giống lúa được Sở NN&PTNT khuyến cáo sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 là: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… Ngoài ra, còn có các giống triển vọng: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448...

Sở NN&PTNT An Giang khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, tưới nước tiết kiệm theo phương pháp ngập khô xen kẽ, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ... Địa phương và cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại để bảo vệ năng suất lúa; rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa…

Quan tâm rau màu, cây ăn trái

Sở NN&PTNT An Giang lưu ý, đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo vụ đông xuân 2023 - 2024, nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa để không ảnh hưởng mùa vụ.

Đối với rau màu, Sở NN&PTNT An Giang đề nghị các địa phương rà soát các vùng trồng rau màu tập trung, đặc biệt là ớt và khoai lang tím để đề xuất Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc BVTV, kỹ thuật canh tác... để tạo ra các sản phẩm rau màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau theo nhu cầu đăng ký của doanh nghiệp. Tỉnh khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại địa phương để liên kết với các công ty, siêu thị… tiêu thụ sản phẩm.

Ngành chuyên môn được yêu cầu quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất; theo dõi, phòng chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh virus khảm lá khoai mì; quản lý tốt sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hội thảo ở các vùng rau màu trọng điểm để hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng chất lượng, an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất; hướng dẫn nông dân sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, thực hiện tốt Quyết định 3301/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với cây ăn trái, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa cấp mã số tập huấn cho nhà vườn về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu qua các thị trường: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc...

Song song đó, tập huấn nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc BVTV và vệ sinh vườn, bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác tại các vùng trồng có gắn kết với doanh nghiệp; hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý cây trồng mùa mưa bão nhằm hạn chế rụng trái, đổ ngã...

Cùng với tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả kinh tế cao.

NGÔ CHUẨN