An Giang đảm bảo ăn chắc vụ thu đông 2021

09/09/2021 - 06:00

 - So với vụ hè thu, sản xuất vụ thu đông có thuận lợi hơn về thời tiết, sản lượng lúa ít hơn nên giá bán thường giữ ở mức khá. Tuy nhiên, cần cảnh giác và bảo vệ an toàn sản xuất trong mùa lũ, mưa bão cuối năm.

Chú trọng giống chất lượng cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, sản xuất lúa thu đông dễ bị ảnh hưởng lũ. Do vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở những tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để. Vụ thu đông năm nay, toàn tỉnh xuống giống hơn 160.000ha, năng suất phấn đấu 6,2 tấn/ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn lúa. Đến nay, nông dân cơ bản xuống giống được khoảng 80% kế hoạch, diện tích còn lại đang tiếp tục xuống giống.

Trong sản xuất lúa thu đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp, như: IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chú ý giảm lượng giống gieo sạ còn từ 80-100kg/ha (thay vì trước đây từ 150-180kg/ha). Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ… Ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

Đồng thời, tăng cường biện pháp kỹ thuật giúp cây lúa khỏe, như: bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… tăng tính chống chịu tự nhiên. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên kết hợp kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh, hướng dẫn nông dân xử lý đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhiều năm nay, An Giang tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao. Vụ thu đông 2021, toàn tỉnh sử dụng trên 85% giống lúa chất lượng cao, như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900, OM38… Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để có thể thay thế giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương.

Các giống lúa được đề xuất, gồm: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448, OM418... Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu...) và nếp, tỉnh đề nghị các địa phương và bà con nông dân chỉ sản xuất khi có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, sản xuất phải phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

Xả lũ để cải tạo đất tự nhiên

Vụ thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang lên kế hoạch xả lũ khoảng 70.000ha để lấy phù sa vào ruộng đồng, vừa vệ sinh cho đồng ruộng, vừa cung cấp nước ngọt, phục vụ dân sinh vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng hạ lưu theo hình thức “3 năm, 8 vụ”.

Tại huyện Châu Phú, diện tích xả lũ hơn 28.800ha, chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, theo chủ trương mở vùng sản xuất 3 vụ, đến nay toàn huyện có 36 tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm. Do đặc thù về vị trí địa lý nằm ven sông Hậu và có nhiều hệ thống kênh cấp I, giúp lấy nước từ sông Hậu để cung cấp nước cho các vùng sản xuất thông qua hệ thống kênh cấp II, III nên lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp dồi dào, thuận tiện tưới tiêu. Việc mở rộng vùng sản xuất 3 vụ/năm góp phần gia tăng diện tích gieo trồng, tăng vòng quay của đất, tăng thu nhập và tăng giá trị sản xuất.

Tuy nhiên, sản xuất liên tục, gối vụ kéo dài cũng tạo điều kiện cho sinh vật gây hại phát triển, làm đất bạc màu, lượng phân bón nông dân sử dụng ngày càng tăng, chi phí sản xuất cao, năng suất lúa giảm nên lợi nhuận giảm. Nguy hiểm hơn, đất bị nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật do không được rửa trôi, dẫn đến chất lượng lúa, gạo chưa đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch xả lũ là cần thiết, nhất là trong định hướng hiện nay đang khuyến khích người dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn và bền vững. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, đối với việc xả lũ hàng năm để lấy phù sa, đa phần nông dân trên địa bàn rất đồng tình và thực hiện nghiêm túc.

“Để đảm bảo các điều kiện trước khi xả lũ, huyện thông báo ngay từ đầu năm và liên tục trong vòng 1 tháng trước khi xả lũ cho người dân biết và thực hiện. Hệ thống trạm bơm trong vùng xả lũ tuyệt đối phải được duy tu, bảo dưỡng, vận hành tốt trong việc điều tiết nước khi xả lũ, xác định cụ thể thời gian và mực nước duy trì trong vùng xả lũ. Huyện thống kê diện tích trồng rau màu, cây ăn trái có bờ bao chưa an toàn đối với các hộ đã sản xuất trước khi ban hành kế hoạch xả lũ. Đối với hộ dân chăn nuôi, trồng rau màu, cây ăn trái, cần tự trang bị bờ bao bảo vệ diện tích sản xuất của mình khi xả lũ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ lúa hè thu 2021, có 27 công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh với diện tích 64.825ha, chiếm 28% tổng diện tích xuống giống. Vụ thu đông 2021, ngành nông nghiệp An Giang tạo điều kiện và tiếp tục duy trì các doanh nghiệp này thực hiện liên kết với nông dân để tiêu thụ lúa, gạo thuận lợi nhất.

NGÔ CHUẨN