An Giang hỗ trợ nông dân làm ăn tập thể

18/09/2023 - 06:12

 - Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể. Hiện nay, công tác này đang phát huy tác dụng khi ngày càng có nhiều hội viên, nông dân tham gia vào các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tham gia hỗ trợ thành lập mới 528 THT, nâng tổng số THT toàn tỉnh hiện nay là 1.087, với 15.925 thành viên, quản lý diện tích gần 48.529ha. Bên cạnh, đã hỗ trợ thành lập 267 câu lạc bộ (CLB) nông dân, với 7.158 thành viên, diện tích sản xuất 5.300ha. Hội nông dân các cấp còn tham gia củng cố, vận động thành lập mới 102 HTX nông nghiệp, với 9.182 thành viên. Toàn tỉnh hiện có 211 HTX nông nghiệp, với 18.999 thành viên, quy mô vốn gần 42,94 tỷ đồng, tăng 107 HTX so năm 2018.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên phân tích: “Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua cho thấy nỗ lực của các cấp hội trong việc hướng dẫn nông dân tham gia làm ăn tập thể. Điểm nhấn hiện nay là chúng tôi đã tham gia cùng Liên minh HTX tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, UBND huyện Thoại Sơn và Tri Tôn tổ chức vận động thành lập liên hiệp HTX tại 2 địa phương này, mở ra giai đoạn phát triển mới của hình thức kinh tế hợp tác tại An Giang”.

Hội nông dân tích cực vận động nông dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực

Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy mô hình CLB doanh nhân nông thôn tỉnh An Giang. Cụ thể, đã phối hợp với các ngành nông nghiệp, công thương và doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ 1.057 thành viên CLB xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đang đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng cửa hàng trưng bày và tiêu thụ sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cũng như phối hợp vận động thành lập HTX Doanh nhân nông thôn tỉnh.

Trên địa bàn TX. Tịnh Biên, Hội Nông dân thị xã phối hợp ngành nông nghiệp tích cực vận động nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Chủ tịch Hội Nông dân TX. Tịnh Biên Trần Phước Hiểu cho hay, tính đến nay, toàn thị xã có 12 HTX nông nghiệp, tăng 2 HTX so với thời điểm cuối năm 2020. Một số HTX đã ứng dụng công nghệ cao với hình thức phun thuốc bằng máy bay không người lái, vận dụng máy cấy lúa trong quá trình sản xuất, như: HTX Nông nghiệp số 1 Núi Voi, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập, HTX Nông nghiệp Tân Định…

Qua đó, cho thấy tín hiệu tích cực trong mục tiêu phát triển các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân Tịnh Biên.

“Nhìn chung, công tác xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, như: CLB doanh nhân nông thôn, HTX, THT, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp bước đầu mang đến kết quả tích cực cho người tham gia, tạo tiền đề để liên kết mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân An Giang” - ông Nguyễn Văn Nhiên nhận định.

Tuy nhiên, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân của một số THT, HTX chưa thu hút, tập hợp được hội viên tham gia. Hiệu quả hoạt động của một số CLB nông dân, THT, HTX chưa tương đồng, một số nơi hoạt động yếu phải giải thể. Việc liên kết giữa các hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa mang lại hiệu quả cao…

Do đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 34-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hành động 06-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển HTX, THT gắn tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…

“Chúng tôi sẽ yêu cầu các cấp hội trong tỉnh tích cực vận động, hướng dẫn nông dân hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”, thực hiện chuỗi giá trị, rau màu, thủy sản, cây ăn trái theo các quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tích cực kết nối với các doanh nghiệp đầu tư mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.

THANH TIẾN